Chính trị

Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI: Những kết quả nổi bật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song với sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Nhiều chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt kế hoạch

Tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2023 ước tăng 9,1% (chỉ tiêu Nghị quyết là 8,6% trở lên); GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 71,42 triệu đồng (chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2025 là 79,5 triệu đồng). Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 3,97%. Việc tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,15%; hình thành các vùng trồng với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, đạt tiêu chuẩn, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 152.000 tỷ đồng (tăng bình quân 17,24%/năm). Giai đoạn 2021-2023, ngành thương mại, dịch vụ tăng trưởng bình quân 14,33%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2021, 2022 và ước năm 2023 lần lượt đạt 72.259 tỷ đồng, 89.643 tỷ đồng và 108.000 tỷ đồng. Hệ thống thương mại phát triển khá nhanh về số lượng, quy mô hoạt động ở cả thành thị và nông thôn. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 109 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn 69.074 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 2.350 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 23.900 tỷ đồng (đạt 80% kế hoạch); phát triển mới 104 hợp tác xã. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 bình quân hàng năm tăng 13,6%; công tác quản lý, điều hành chi ngân sách thực hiện đúng quy định, đảm bảo được các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao, thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Phòng-chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Diện mạo đô thị Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Phan Nguyên

Diện mạo đô thị Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Phan Nguyên

Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động học sinh đi học các cấp đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Quốc phòng-an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thay đổi diện mạo nông thôn và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 91/182 xã đạt chuẩn NTM, tăng 10 xã so với đầu nhiệm kỳ; 125 thôn, làng đạt chuẩn NTM, tăng 41 làng so với đầu nhiệm kỳ; phấn đấu kết thúc năm 2023 có 41 thôn, làng đạt chuẩn NTM.

Trao đổi về những kết quả nổi bật trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, ông Trần Xuân Quang-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku-cho hay: “Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm. Đến nay, về cơ bản có 16/21 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XII đề ra. Thành phố đã xây dựng được 9 làng đạt chuẩn NTM (đạt 24,32%); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,4%; tỷ lệ chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy đạt 94,3%”.

Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm tổ chức thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực; công tác tổ chức, cán bộ thực hiện đúng quy trình, quy định; tỷ lệ kết nạp đảng viên và tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hàng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Ông Vũ Hồng Duy-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện-thông tin: “Đảng bộ huyện Phú Thiện hiện có 40 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với tổng số 2.905 đảng viên. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện xác định tỷ lệ kết nạp đảng viên trong nhiệm kỳ là 3,5%/năm, tương đương 91 đảng viên/năm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện đã kết nạp 341 đảng viên (đạt 75% chỉ tiêu Nghị quyết). Dự kiến, chỉ tiêu phát triển Đảng của cả nhiệm kỳ sẽ đạt vào cuối năm 2024”.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Anh Huy

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Anh Huy

Về thực hiện 4 chương trình trọng tâm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28-6-2021 về tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tỉnh đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20-1-2022 về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20-1-2022 về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20-1-2022 về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch.

Về các chỉ tiêu trong Nghị quyết số 02-NQ/TU như hàng năm có từ 80% trở lên cán bộ được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị thì tỷ lệ hiện tại là 84,28% (đạt 105,36% chỉ tiêu Nghị quyết), trong đó có từ 15% trở lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì tỷ lệ hiện tại là 18,24% (đạt 121,61% chỉ tiêu Nghị quyết).

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, các sở, ban, ngành, địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp. Các dự án về hạ tầng giao thông được triển khai đảm bảo tiến độ, phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra. Hệ thống giao thông trong Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã bố trí vốn giai đoạn 2021-2025 là 120 tỷ đồng; dự kiến đến năm 2025 sẽ có 20 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Hạ tầng logistics, hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, hạ tầng kết nối phát triển du lịch, khu đô thị tiếp tục được quan tâm đầu tư.

Các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 07-NQ/TU cơ bản đã đạt được. Cụ thể, từ năm 2020 đến tháng 7-2023, trên địa bàn tỉnh có 132 dự án được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 86.861 tỷ đồng, trong đó có 34 dự án đã triển khai xây dựng, hoàn thành đi vào hoạt động kinh doanh và 98 dự án chưa hoàn thành. Về nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp có nhiều chuyển biến; công tác trồng rừng được quan tâm chỉ đạo, chỉ tiêu trồng rừng trên địa bàn tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 còn chậm so với kế hoạch đề ra. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa bền vững; chưa phát huy được lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế-xã hội. Thu ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, mới cân đối được gần 40% tổng chi. Số xã đạt chuẩn NTM chưa bền vững. Công tác đổi mới giáo dục và đào tạo chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng y tế chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác khám-chữa bệnh; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chưa đạt chỉ tiêu đề ra...

Theo ông Nguyễn Quang Trường-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Păh, địa phương khó đạt chỉ tiêu kế hoạch về xây dựng NTM. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện mới có xã Hòa Phú đạt chuẩn NTM (đạt 25% chỉ tiêu Nghị quyết). Huyện đang tiếp tục triển khai xây dựng NTM tại 3 xã còn lại. Tuy nhiên, do đời sống của một bộ phận người dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao mà căn cứ theo Quyết định số 710/QĐ-UBND ngày 16-11-2022 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2021-2025 áp dụng trên địa bàn tỉnh thì địa phương rất khó hoàn thành. Lý do là vì có một số tiêu chí đánh giá được nâng lên như: thu nhập, y tế, môi trường...

Gia Lai đã thu hút nhiều dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Đức Thụy

Gia Lai đã thu hút nhiều dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Păh xác định: Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; huy động mọi nguồn lực xây dựng huyện phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa-thông tin, thể dục thể thao; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; xây dựng kế hoạch tổ chức Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya hàng năm. Quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó ưu tiên cho người nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Đồng thời, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình, tham mưu giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở...

Còn Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku thì cho hay: Dự kiến đến cuối năm 2025, thành phố có 16 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt; 2 nhóm chỉ tiêu khả năng đạt thấp (thu ngân sách nhà nước theo phân cấp, nâng cấp 2 xã lên phường); 3 chỉ tiêu khả năng không đạt (tốc độ tăng giá trị sản xuất, thu nhập bình quân đầu người, số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xã đạt NTM kiểu mẫu). Nguyên nhân là do quá trình thực hiện bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế; một số khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng chậm được xử lý; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền đôi lúc chưa thật sự quyết liệt...

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến rau quả (DOVECO Gia Lai). Ảnh: Ngọc Sang

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến rau quả (DOVECO Gia Lai). Ảnh: Ngọc Sang

“Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XII; xác định và cụ thể hóa các nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025 thành các chỉ thị, nghị quyết, đề án, quy định, quy chế để tổ chức thực hiện. Phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm triển khai và đề ra lộ trình, thời gian hoàn thành. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành thống nhất nhận thức, hành động và xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra”-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm