Kinh tế

Nước mát Ia Mláh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những mảnh ruộng lúa chín vàng ươm như mời gọi bàn tay chủ nhân đã bao ngày một nắng hai sương đến mùa gặt hái. Mùa vàng hứa hẹn những chén cơm trắng tinh khôi thơm ngào ngạt được chắt lên từ những giọt mồ hôi trong cái nắng gió và tinh túy đất trời vùng chảo lửa. Sẽ là những nụ cười rạng ngời hạnh phúc và ấm no trong mỗi nếp nhà vùng Krông Pa nắng cháy, bên mỗi bữa cơm gia đình. Và đây, những ruộng dưa xanh ngắt, trải dài dễ khiến người ta thấy mát mắt, mát lòng. Cái ấm no đâu đó đang đợi chờ phía trước.

Ấm no Ia Mláh

 

Bà con Ia Mlah thu hoạch lúa. Ảnh Lê Hòa
Bà con Ia Mláh thu hoạch lúa. Ảnh Lê Hòa

Ôm lấy hai bên con đường dẫn vào công trình thủy lợi Ia Mlah là những bản làng Jrai yên bình với những nếp nhà sàn rất đỗi đơn sơ, mộc mạc. Vùng đất này chưa hẳn đã đổi mình thành một vùng quê trù phú. Dấu vết cuộc sống khó khăn vẫn còn đậm trên những mái liếp sơ sài trên nhiều ngôi nhà sàn. Tuy nhiên, trên những mảnh ruộng, nương rẫy bao quanh lại đang bừng lên những mầm sống mới hứa hẹn một sự đổi thay, một cuộc sống ấm no trong tương lai không xa.

Ghé thăm nhà Ama Hoa ở buôn Chính Đơn 1-xã Ia Mláh, già Hoa vui vẻ kể cho chúng tôi nghe những đổi thay trên quê hương mình: “Buôn mình trước này cứ mỗi độ giáp hạt bà con lo cái đói, bây giờ thì hết rồi”.

Già chỉ cho chúng tôi xem mấy chân ruộng lúa xanh rì, đang độ làm đòng bao quanh ngôi nhà sàn. Già bảo: “Trước làm gì có, giờ thì nước đã về tới tận vườn nhà. Phấn khởi vô cùng”.

Rồi già khoe, ngày trước, cả gia đình già với 3 miệng ăn chỉ trông chờ vào một vụ lúa rẫy. Nếu ông trời thương, thì trung bình mỗi năm cũng chỉ thu được hơn 1 tấn lúa. Nay mọi chuyện đã khác. Hai năm trở lại đây, từ khi nước từ công trình thủy lợi Ia Mlah về với bản làng, 6 sào đất khát ngày nào giờ đã thành những ruộng lúa nước 2 vụ, mỗi năm cho trên 8 tấn lúa. Cái đói ám ảnh mùa giáp hạt ngày nào đã chỉ còn là dĩ vãng…

 

Những ruộng lúa vàng ruộm mùa gặt hái hứa hẹn một vụ mùa no ấm. Ảnh Lê Hòa
Những ruộng lúa vàng ruộm mùa gặt hái hứa hẹn một vụ mùa no ấm. Ảnh Lê Hòa

Mừng hơn, 3 ha đất gò đồi vốn bỏ hoang hoặc may lắm thì rải được vụ mè giờ có nước, già Hoa đã chuyển đổi qua canh tác cây mía. “Vụ mía vừa rồi nhà tôi thu được 180 tấn mía, bán được 180 triệu. Trừ chi phí, công cán cũng lãi hơn trăm triệu đấy! Như vậy là mừng lắm rồi”.

Với Ksor Nhe (buôn Dù A-Ia Mláh), nước về đồng còn giúp sức cho Nhe rất nhiều trong vụ mì vừa qua. “Đất ở đây cứ đến mùa thu hoạch là khô đanh lại. Bà con ở đây còn ví, đất cứng quằn lười cuốc. Không có nước tưới làm bở đất thì chẳng thể nhổ được mì lên”.

Nhờ có nước từ công trình Ia Mláh, nhà Ksor Nhe đã bớt đi nỗi cực nhọc đánh đu với đất để giành giật lại củ mì đã một năm ròng chăm bẵm. “Giờ chỉ cần tưới nước qua, đất bở ra là việc dỡ nhổ mì thành đơn giản”-Nhe cười xòa. Vụ mỳ vừa rồi, với 4 ha mì, Nhe thu lãi hơn 165 triệu đồng.

… Nước về buôn làm thức tỉnh cánh đồng khát đã bao đời khiêu khích những con người có chí. Cái bực dọc vì đất bỏ hoang đã được dịp nổ bung, thay vào đó là những ruộng lúa nước xanh ngợp, những bãi dưa, nương mía, bãi mì nối nhau đến ngút ngàn. Nước về đã đem cái no ấm, thổi đi cái khốn khó của vùng đất cằn. Những nóng nảy của đất đã là chuyện xa. Từ nay, nước về, đất sẽ ngoan ngoãn ôm ấp cho những mầm xanh vươn mình tìm ánh sáng, đem cái ấm no đến cho những con người đã bao đời gắn bó.

Còn đó những khó khăn

Với mức vốn đầu tư lên tới hơn 700 tỷ đồng, dung tích 54 triệu m3 và năng lực tưới trên 5.000 ha cho các loại cây trồng (trong đó có khoảng 1.500 ha lúa nước), cung cấp nước sinh hoạt cho 36.000 hộ dân trong vùng, công trình thủy lợi Ia Mláh là một trong những công trình trọng điểm của huyện Krông Pa, phục vụ đời sống dân sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 6 xã thuộc vùng sâu, vùng xa và khó khăn trên địa bàn huyện.

 

Hệ thống ống nước thi công công trình dẫn nước sinh hoạt từ hồ thủy lợi Ia Mláh về thị trấn Phú Túc và xã Phú Cần. Ảnh Lê Hòa
Hệ thống ống nước thi công công trình dẫn nước sinh hoạt từ hồ thủy lợi Ia Mláh về thị trấn Phú Túc và xã Phú Cần. Ảnh Lê Hòa

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa, tính đến nay, toàn huyện đã có khoảng 1.850 ha cây trồng hưởng lợi từ nguồn nước của công trình thủy lợi Ia Mláh, trong đó có 311 ha lúa nước. Chỉ tính từ sau khi có công trình thủy lợi Ia Mláh, diện tích lúa nước của huyện đã tăng thêm hơn 200 ha, giải quyết phần nào nhu cầu lương thực cho nhân dân trong vùng.

Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ đơn vị này, tại nhiều vùng, hệ thống kênh mương nội đồng chưa hoàn thiện, đồng ruộng chưa được san ủi mặt bằng nên chưa khai thác hết được hiệu quả của công trình. Phần diện tích đã sử dụng, đa phần do bà con khai hoang phổ thông, còn nhỏ lẻ, rất khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Bên cạnh đó, việc khai thác hệ thống tưới tự chảy cũng còn nhiều hạn chế khiến cho bà con phải áp dụng việc sử dụng tưới tạo nguồn, khiến chi phí sản xuất tốn kém hơn.

 

Nước về đã tiếp sức cho những cánh đồng mía. Ảnh Lê Hòa
Nước về đã tiếp sức cho những cánh đồng mía. Ảnh Lê Hòa

Theo một lãnh đạo huyện Krông Pa, thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng công trình chưa thể phát huy được hiệu quả như mong muốn chính là do việc thực hiện Nghị quyết 11 khiến công trình bị ngắt vốn đầu tư. Về phần huyện, huyện được giao phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi hỗ trợ cho người dân các biện pháp khai thác nguồn lợi; xây dựng hệ thống kênh mương nhánh tưới cho các khu vực có diện tích dưới 20 ha. Tuy nhiên, theo dự toán, tổng chi phí để hoàn thiện hệ thống này lên đến trên 65 tỷ, hiện mới chỉ giải quyết được khoảng 15 tỷ, hiện tại vẫn còn thiếu 50 tỷ mới hoàn thiện được hệ thống này. Điều đó cũng có nghĩa, công trình dù đã hoàn thành về phần cơ bản và chính thức đưa vào khai thác đã khá lâu, song nhiều vùng trong vùng thụ hưởng nước vẫn chưa thể về đồng.

“Hiện tại, chúng tôi đang tham mưu cho UBND huyện đề xuất phương án hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ hoặc là nguồn hỗ trợ từ Ngân hàng thế giới, song theo thông tin nắm lại được thì có lẽ cũng quá khó khăn”- ông Đinh Xuân Duyên- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa, cho biết. Được biết, huyện Krông Pa đang tích cực triển khai xây dựng hệ thống công trình dẫn nước trực tiếp từ hồ thủy lợi Ia Mláh về thị trấn Phú Túc, xã Phú Cần.

… Nước từ công trình thủy lợi đã sẵn sàng, song vì điều kiện “tắc” vốn, hàng ngàn ha đất khát vẫn khát rõ ràng là sự lãng phí lớn! Và, hơn ai hết chính người dân là đối tượng phải chịu thiệt thòi từ điều này.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm