TN - Đất & Người

Nuôi loài cá quý hiếm vây đỏ như son ở ao đất, bán 300 ngàn/ký

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước nguy cơ loài cá lăng đuôi đỏ quý hiếm đang mất dần trên dòng Sêrêpốk, từ năm 2005, các hộ dân ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã có sáng kiến đưa loài cá đuôi đỏ từ tự nhiên về nuôi trong ao, hồ, môi trường nước tĩnh, dọc lưu vực sông để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn nguồn gen cá lăng đuôi đỏ tự nhiên.
Ông Hoàng Quốc Bài (thôn 5) là một trong những hộ nuôi cá lăng đuôi đỏ đầu tiên ở xã Hòa Phú cho biết, gia đình ông tận dụng 0,5 ha mặt hồ nước bên cạnh dòng sông Sêrêpốk để nuôi cá lăng đuôi đỏ.
Để có nguồn cá lăng đuôi đỏ giống, gia đình mua cá lăng đuôi đỏ còn nhỏ mà bà con dân chài, đánh bắt trên sông với giá 300.000 đồng/kg về nuôi. Cá giống sau khi mua được, đem thả vào ao, hồ, cho cá ăn cám cá đậm đặc, hỗ trợ dinh dưỡng để cá phát triển, khi cá lớn được khoảng từ 3 - 4 lạng thì cho cá ăn các loại thức ăn truyền thống như cá con, tôm tép...
 
Cá lăng đuôi đỏ của sông Sêrêpốk được hộ ông Hoàng Quốc Bài, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột nuôi thành công trong ao nước tĩnh.
Sau hơn 1 năm thả nuôi, lứa cá giống đầu tiên của gia đình xuất bán đạt trọng lượng từ 3 - 7 kg/con, trừ các khoản chi phí gia đình thu về 270 triệu đồng.
Thành công này của ông Hoàng Quốc Bài trong việc nuôi loài cá lăng đuôi đỏ đồng thời cũng tạo được “tiếng vang” trong ngành nông nghiệp của thành phố Buôn Ma Thuột. Theo đó năm 2007, Trung tâm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột cũng quyết định hỗ trợ 10 triệu đồng, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn từ khâu chọn giống đến khâu chăm sóc.
Việc làm này nhằm xây dựng mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ ở 2 hộ ông Trần Văn Kiếm và Hoàng Quốc Bài, với số lượng 500 con cá lăng đuôi đỏ giống, nuôi trong thời gian 2 năm. Chính nhờ thực tế thành công từ 2 mô hình này, người dân nuôi trồng thủy sản trong vùng đã mạnh dạn đầu tư, đưa giống cá lăng đuôi đỏ làm vật nuôi chính trong ao, hồ.

Từ năm 2009, người dân xã Hòa Phú đã thành lập Câu lạc bộ nuôi cá lăng đuôi đỏ với 16 thành viên; tổng diện tích gần 10 ha. Để cá lăng đuôi đỏ phát triển tốt trong môi trường nước tĩnh, người dân xã Hòa Phú đã đào kênh dẫn nước từ sông Sêrêpốk ra vào ao nuôi vừa tạo môi trường nước tự nhiên, tận dụng nguồn thức ăn thực sinh cho cá.

Để chủ động phát triển nghề nuôi cá lăng đuôi đỏ trong ao nuôi, UBND TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cá lăng đuôi đỏ Hòa Phú - Buôn Ma Thuột, góp phần quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm...

Việc này còn giúp địa phương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm cho người lao động, góp phần bảo tồn nguồn gen quý cá lăng đuôi đỏ trên dòng Sêrêpốk.
Sông Sêrêpốk có nguồn lợi thủy sản phong phú, tuy nhiên, nguồn lợi này đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng khi các đập thủy điện liên tục hình thành trên dòng chính của sông làm thay đổi dòng chảy và môi trường sinh thái.
Sông Sêrêpốk là phụ lưu quan trọng của sông Mê Công, đa dạng sinh thái của dòng sông khá cao, với hàng trăm loài cá có giá trị về kinh tế và ý nghĩa về khoa học. Nguồn lợi thủy sản nơi đây đóng vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm và sinh kế cho hàng ngàn hộ dân.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của các loài cá là việc xây dựng các công trình thủy điện trên sông Sêrêpốk đã tạo ra những thay đổi lớn về môi trường sinh thái. Việc xây dựng các đập chắn ngang dòng sông đã chặn đường di cư của cá, khiến chúng không thể lên trung, thượng nguồn để sinh sản hoặc quay về hạ nguồn.
Từ đó làm gián đoạn chu trình sinh lý thiết yếu của cá như đẻ trứng, nhân giống, tăng trưởng…Trong khi, các loài cá trên sông Sêrêpốk là loài cá có tập tính di cư trong nội dòng sông.
Vì thế, đàn cá trên sông luôn vơi đi nhưng nguồn tái tạo lại bị hạn chế. Do đó, các loài cá này cần được bảo vệ, nghiên cứu sâu và khai thác phát triển nguồn gen làm cơ sở để khôi phục đàn cá tự nhiên quý hiếm.

Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN-PTNT) năm 2010, từ Dự án quản lý nghề cá lưu vực sông Mê Công đã xác định được 195 loài cá thuộc 98 giống, trong 32 họ, 12 bộ ở khu hệ cá trên sông Sêrêpốk. Trong đó, có 34 loài cá được xác định là loài kinh tế, có sản lượng cao, chất lượng tốt, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên hiện nay, những loài cá mang tính đặc sản cho vùng Tây Nguyên đang trong tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng như: cá trà sóc, cá mõm trâu, cá rô cờ, cá lăng đuôi đỏ…

Dân Việt (Theo Minh Thuận/Báo Đắk Lắk)

http://danviet.vn/nha-nong/nuoi-loai-ca-quy-hiem-vay-do-nhu-son-o-ao-dat-ban-300-ngan-ky-1046892.html

Có thể bạn quan tâm