Bạn đọc

Nút "like" thần thánh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mấy ngón tay của cậu ta thoăn thoắt như làm xiếc với cái smartphone cao cấp có giá không dưới 20 triệu đồng. Ngón cái tay phải vuốt lên, dẫn nhịp chính xác cho ngón cái tay trái bấm liên tục, hệt như một cơ phận của một dây chuyền sản xuất tự động đang vận hành. Thoáng trông, cứ tưởng cậu ta kiểm tra cảm ứng của màn hình, liếc xéo, thấy giao diện bảng tin quen thuộc của mạng xã hội Facebook. Hóa ra, cậu đang tương tác với bạn bè mình bằng nút thích (like)... thần thánh và chỉ like thôi, dù Facebook đã cung cấp nhiều nút xúc cảm khác nhau cho người dùng tùy chọn.
Thời buổi bây giờ, mới gặp nhau qua dăm câu hỏi thăm, thể nào sẽ đến chuyện: anh/chị có Facebook không và kết bạn ngay lập tức nếu còn chỗ. Theo một số liệu tôi đọc được, tính đến tháng 6-2020, tại Việt Nam đã có hơn 69 triệu tài khoản Facebook, chiếm 2/3 dân số cả nước. Trong đó, người dùng Facebook Việt Nam có 50,7% là nam giới, còn lại là nữ giới.
Khi đã gia nhập cộng đồng mạng lớn nhất thế giới này rồi thì mức độ tương tác là thước đo vị trí của 1 Facebooker (người dùng Facebook). Tôi cam đoan, 99% người đăng trạng thái của mình đều hết sức quan tâm đến lượt cảm xúc và chia sẻ của cộng đồng dành cho mình, có người thỉnh thoảng lại mở bài mình ra xem đã được bao nhiêu lượt thích, càng nhiều càng cảm thấy hạnh phúc.
Trở lại với nhân vật đã nói ở trên, cậu ta đã có vài lần xung đột với bạn bè chỉ vì chuyện: bài nào của ông tôi đều like, ông chẳng khi nào like tui. Người bạn thẳng thắn: Ông viết dở òm sao tui thích được. Thế là giận, thế là hủy kết bạn.
Thực chất của cái sự “thích” trên cộng đồng mạng đầy chất xã giao, tôi vẫn không đồng ý chuyện xem những gì trên mạng xã hội là ảo, ảo sao được khi tất cả những gì bạn viết, những gì bạn chia sẻ là những hành vi thật, nhưng phải thừa nhận chất ảo trong các hành vi tương tác lại là thật. Chắc hẳn người dùng Facebook cũng đã nhận những quảng cáo “tăng lượt like, tăng lượt chia sẻ…” của những người làm dịch vụ khá đặc biệt này, rõ ràng đã có một nhu cầu thực sự.
Ảnh minh họa: Internet
Chia sẻ là bản chất của mạng xã hội, chia sẻ điều gì thuộc về bản lĩnh và văn hóa của người dùng. Một bài đăng mang tính cộng đồng và phù hợp với nhiều tầng lớp của tôi đã đạt gần vạn lần thích và cả ngàn lượt chia sẻ, nhưng cũng có bài đặc chất cá nhân sau cả tháng chỉ được vài chục người xem và có bày tỏ cảm xúc, đó là điều hết sức bình thường. Trang cá nhân chính là căn nhà chủ tài khoản, nhưng khi bạn để chế độ bạn bè hay công khai thì ai cũng có thể quan sát rõ mồn một những gì đang xảy ra trong nhà bạn, cẩn trọng với những gì mình “bày” ra trước bàn dân thiên hạ là điều cần thiết và số lượt thích có thể không khẳng định điều gì là ổn cho bạn.
Ấy là tôi chỉ lan man là cái nút thích, nội dung bình luận cũng là một vấn nạn cần chấn chỉnh… Hồi đầu năm nay, nhà ông Microsoft công bố chỉ số văn minh trên không gian mạng-Digital Civility Index (DCI) của Việt Nam đang đứng tốp 5/25 thế giới (chỉ số càng cao, mức độ văn minh càng thấp). Hiện Việt Nam đứng sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi. Là người Việt, tôi thấy... nhột lắm!
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm