PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, hiện nay còn rất nhiều vụ sai phạm nghiêm trọng, còn rất nhiều "củi tươi, củi khô" chưa xử lý. Do đó khi lựa chọn nhân sự vào T.Ư cần phải thận trọng với những cái "đỏ", cái mã bên ngoài" của cán bộ.
Chiều qua (14/5), sau 4 ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương (T.Ư) đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Quang cảnh Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa XII. (Ảnh: TTXVN) |
T.Ư nhất trí việc xác định tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành T.Ư khoá XIII phải căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong các nghị quyết của Đảng và đặc biệt chú trọng một số vấn đề như: Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi….
Đáng chú ý, kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành T.Ư những người có một trong các khuyết điểm như: Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.
Tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ là đúng, nhưng…
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Đào Duy Quát – nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo T.Ư) cho rằng: Từ khoá XI, khoá XII, Đảng ta đã đưa ra một loạt các quy định, quy trình về công tác cán bộ, về lấy phiếu tín nhiệm, các quy định khác để ngày càng hoàn thiện hơn công tác cán bộ. Qua đó thẩm tra, sàng lọc, lựa chọn được cán bộ đủ tiêu chuẩn để giới thiệu, lựa chọn.
Việc quan trọng là thực hiện những quy định này trong thực tiễn, tránh những sai lầm trong công tác cán bộ. Có tiêu chuẩn nhưng làm thế nào để nhận diện và sàng lọc được cán bộ thì đó mới là điều khó.
"Trước đây, các đại hội Đảng của chúng ta cũng thường đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn cán bộ nhưng tại sao vẫn để lọt những cán bộ đã từng mắc sai phạm vào T.Ư. Vừa rồi có gần 100 cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao, cấp chiến lực bị xử lý.
Thực tế này nói lên một điều rằng tại sao có nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí nhưng vẫn để xảy ra sai phạm?" – ông Quát nói và nhấn mạnh: "Cho nên để ngăn chặn những người giàu bất thường, có biểu hiện vi phạm, những người có lợi ích nhóm… không thể lọt vào T.Ư, lần kêu gọi này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác nhân sự cho Đại hội Đảng XIII sắp tới là rất đúng".
PGS.TS Đào Duy Quát – nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo T.Ư). |
Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư cũng cho rằng, hiện nay còn rất nhiều vụ sai phạm nghiêm trọng, còn rất nhiều "củi tươi, củi khô" chưa xử lý. Do đó, để lựa chọn tốt cán bộ trong thời điểm hiện nay, phải quyết liệt hơn, kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành T.Ư những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.
Đồng thời phải có thước đo đánh giá sự hiệu quả của cán bộ. "Hiệu quả công tác của cán bộ là thước đo mọi tiêu chuẩn nên cần tập trung vào sự hiệu quả của cán bộ chủ chốt của địa phương, bộ ngành trong nhiệm kỳ vừa qua", PGS.TS Đào Duy Quát noi.
Cũng theo ông Quát, các tiêu chí, tiêu chuẩn của T.Ư đưa ra là đúng nhưng cần phải tổng kết để góp phần hạn chế, khuyết điểm từ trước đến nay nhất là liên quan đến xây dựng đảng, chỉnh đốn đảng. Phải căn cứ vào hiệu quả công tác của lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, lãnh đạo các ban ngành nếu không sẽ rất khó.
"Đồng thời phải công khai, minh bạch danh sách cán bộ nhân sự dự kiến vào T.Ư sắp tới để nhân dân được biết… nếu không thì rất dễ để lọt. Đặc biệt, chúng ta cần kiên quyết làm rõ những tố cáo sai phạm, nhất là của các đồng chí cấp chiến lược, như vậy sẽ đáp ứng được nhân sự cấp cao phù hợp trong thời kỳ mới" – ông Quát nhấn mạnh.
Hết sức cảnh giác với chạy chức, chạy phiếu
Nhìn nhận về bài viết "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng", trong đó có nói đến việc lựa chọn nhân sự "đừng thấy đỏ tưởng là chín", "đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong", ông Quát nhìn nhận: "Lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói rất sâu sắc".
"Bây giờ bằng cấp, danh hiệu, học hàm, học vị… đều có thể mua được. Cho nên nói về mặt hình thức thì đây chính là "đỏ", là "cái mã bên ngoài". Họ có tiền, có quan hệ và có tham vọng quyền lực thì họ bất chấp dùng mọi thủ đoạn để có được chức và quyền. Để nhận diện việc "đỏ chưa phải là chín", "cái sơ sài bên trong"… chúng ta có nhiều cách, nhưng như tôi đã nói phải đánh giá qua hiệu quả công việc. Đặc biệt, phải dựa vào dân, dựa vào các chi bộ" – ông Quát nói và cho rằng "Trịnh Xuân Thanh là điển hình cho vấn đề này".
Phân tích về các dấu hiệu để nhận diện tham vọng quyền lực, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư cho rằng: Tham vọng quyền lực thường gắn với các biểu hiện của chạy chức chạy quyền như chạy bằng cấp, chạy phiếu bầu, luồn cúi tìm mọi cách để vào được cấp ủy, các chức vụ, các vị trí cao để từ đó trục lợi.
"Đó là tham vọng quyền lực để trục lợi, để tham nhũng. Nhưng cũng có một kiểu tham vọng quyền lực khác nguy hiểm hơn đó chính là tham vọng quyền lực để chuyển hoá chế độ, thay đổi thể chế chính trị, làm lũng loạn hệ thống chính trị của ta. Đây là điều hết sức nguy hiểm" – ông Quát nhấn mạnh.
Kết lại, dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "khó trăm lần dân liệu cũng xong", ông Đào Duy Quát cho rằng, trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh "cứ hỏi dân, dân biết hết". Do đó, công tác cán bộ phải được công khai để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và giám sát. Cùng với đó khi quy hoạch và lựa chọn cán bộ, lựa chọn nhân sự thì cần các kênh giám sát của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội…
Vụ Hồ Duy Hải: Cần lắng nghe tiếng nói nhân dân Nhắc đến phiên Giám đốc thẩm "tử tù" Hồ Duy Hải, ông Đào Duy Quát cho rằng "cần phải lắng nghe tiếng nói của người dân". "Chúng ta không bênh vực, không khẳng định có tội hay vô tội mà cần bàn về mặt pháp luật xem đã làm đúng hay chưa. Cần phải xem xét lại tất cả các quy trình để rút ra kinh nghiệm. Nên dựa vào dân để thấy bản chất sự việc" - nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư nhấn mạnh. |
Theo Thành An (Dân Việt)