(GLO)- Hơn 50 năm nay, ông Trần Văn Tư (thôn Thái Hà, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) đã phải sống trong bóng tối. Nhưngvới ý chí và nghị lực, ông đã vượt qua mặc cảm, khó khăn để vươn lên làm giàu chính đáng và có nhiều cống hiến trong công tác xã hội.
Quê ông Tư ở vùng đất Vĩnh Linh- Quảng Trị. Năm lên 8 tuổi, ông cùng một người bạn vào rừng kiếm củi và giẫm trúng một quả bom bi. Qủa bom phát nổ đã kiến bạn của ông mất mạng, còn ông thì bị mù vĩnh viễn. “Tôi còn nhớ như in mùa hè năm 1966, khi chúng tôi gặp nạn với quả bom bi. Đôi mắt của tôi không còn nhìn thấy ánh sáng. Lúc đó hoảng sợ nhiều lắm. Sợ không còn nhìn thấy thì không được thấy cha, thấy mẹ, thấy con chữ…”- ông Tư nhớ lại. Nhưng rồi bằng tình thương của gia đình, ông cũng vượt qua được nỗi sợ hãi đó. Năm 1982, ông cùng gia đình vào Gia Lai làm kinh tế mới. Năm đó, ông Tư là một chàng trai trẻ 24 tuổi.
Tại vùng đất mới, ông Tư gặp và bén duyên với cô gái trẻ gốc Thái Bình. Vượt qua những mặc cảm của bản thân, cùng với tình yêu chân thành từ cô gái, ông đã mở lòng đón nhận cuộc hôn nhân ấy. Chính sự cảm thông của người vợ đã giúp ông có thêm động lực sống và làm việc có ích để xây dựng cuộc sống gia đình. Những năm đầu mới lấy nhau, do con còn nhỏ nên ông ở nhà chăm con, trồng rau, nuôi gà, nuôi heo. Còn vợ ông là người cáng đáng những công việc nặng nhọc ở rẫy cà phê.
Đó cũng chính là khoảng thời gian vất vả nhất của vợ chồng ông. Ông Tư kể: “Lúc ấy, tôi thương vợ vô cùng. Mình là người chồng trong gia đình mà để vợ phải lo toan hết. Năm 1992, tôi và vợ quyết định đưa 2 người con vào Bình Thuận tìm công việc mới, hi vọng sẽ đỡ cực nhọc. Sau 5 năm bám biển, cái khổ vẫn dai dẳng, chúng tôi lại đàn đúm nhau về lại Gia Lai. Quyết tâm làm lại từ đầu”.
Dù bị khiếm thị nhưng ông Tư vẫn hăng say lao động. Ảnh: Mai Ka |
Sau khi trở về, vợ chồng ông vay mượn của anh em, họ hàng thêm một ít vốn để mua thêm đất trồng cà phê và chăn nuôi. Với một người lành lặn thì việc làm nương rẫy đã rất khó khăn huống chi là người khiếm thị như ông Tư. May mắn rằng, dù không thấy ánh sáng nhưng ông Tư lại có được sức khỏe, sự nhạy bén với vạn vật xung quanh. Ngoài việc chăn nuôi, chăm sóc con cái và nấu nướng thì ông còn cố gắng cùng vợ làm cỏ cà phê, thu hoạch cà phê… Nhìn ông làm việc hăng say, không ai nghĩ ông hơn 50 năm qua, ông chỉ sống trong bóng tối.
Chính sự nỗ lực của bản thân cùng với tình yêu của người vợ và các con, ông Tư đã xây dựng kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Với hơn 1,5ha cà phê, 8 con bò giống, 300 trụ hồ tiêu và hàng ngàn cây bời lời, gia đình ông trở thành gương điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Hai năm trở lại đây, thu nhập bình quân của gia đình ông gần 200 triệu đồng/năm.
“Ông Trần Văn Tư là một người không cam chịu số phận. Ông Tư đã từng bước vượt qua những khó khăn trong cuộc sống dù số phận của ông không may mắn. Với ý chí tự lập, không muốn trở thành gánh nặng cho mọi người, ông Tư đã cố gắng làm tốt mọi việc. Từ những ngày đầu thành lập Hội Người mù của tỉnh, ông Tư đã nhiệt tình tham gia. Đến nay, ông Tư đã có những đóng góp không nhỏ vào sự lớn mạnh của Hội và góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho hội viên”- Chủ tịch Hội người mù tỉnh Gia Lai Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Đối với một người bình thường thì những kết quả này có thể không lớn, nhưng với một người khuyết tật như ông Tư thì đây là cả một kì tích rất đáng trân trọng. Từ sự cố gắng và kinh nghiệm bản thân, ông chia sẻ kiến thức lại cho hội viên. Nhờ vậy, nhiều hội viên biết cách làm ăn và vươn lên thành các hộ khá, hộ giàu. “Là một thành viên trong Ban Chấp hành của Hội Người mù nên tôi luôn nỗ lực phấn đấu, gương mẫu để trở thành tấm gương cho hội viên trong sản xuất và đời sống, phấn đấu mang lại quyền lợi cho những người có hoàn cảnh kém may mắn như mình” - ông Trần Văn Tư chia sẻ.
Mai Ka