
Nhưng ở phương diện khác, ông Zelensky cũng đang tìm cách thoát khỏi sự ảnh hưởng của Mỹ mà trao niềm tin cho châu Âu.
"Ukraine đã sẵn sàng cho một thỏa thuận đầu tư và an ninh mạnh mẽ, hiệu quả với Tổng thống Mỹ. Chúng tôi đã đề xuất cách nhanh nhất và mang tính xây dựng nhất để đạt được kết quả. Nhóm của chúng tôi sẵn sàng làm việc 24/7", ông Zelensky cho biết sau cuộc họp với đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg ngày 20/2.
Tổng thống Ukraine nói cuộc thảo luận với ông Kellogg tập trung vào tình hình chiến trường, các đảm bảo an ninh mà Ukraine đang tìm kiếm và việc trao trả tù binh chiến tranh.
Xác định Ukraine không thể đảm bảo an ninh khi thiếu sự viện trợ của Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đồng thời thể hiện sự chuyển hướng chiến lược, đặt niềm tin vào châu Âu như một giải pháp thay thế cho sự hỗ trợ từ Mỹ.
Tuần trước, ông Zelensky nêu gọi các nước châu Âu thành lập lực lượng quân đội để hỗ trợ Ukraine. Anh, Thụy Điển là những nước đầu tiên cho biết có thể đưa lực lượng đến hỗ trợ Kiev, trong khi các nước châu Âu còn lại cân nhắc và xảy ra những ý kiến bất đồng.
Bài phát biểu của ông tại Hội nghị An ninh Munich 2025 đã phản ánh rõ nét sự thay đổi này, khi chính quyền Trump thúc đẩy một giải pháp hòa bình gây tranh cãi.
Với những động thái gần đây, giới phân tích nhận định Tổng thống Zelensky vẫn chưa từ bỏ hoàn toàn tham vọng gia nhập NATO. Và ông đã thực tế hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Bằng cách gắn kết chặt chẽ với châu Âu về mặt an ninh và quốc phòng, Ukraine hy vọng xây dựng được hàng rào bảo vệ tin cậy, ngay cả khi không có sự bảo đảm trực tiếp từ NATO hay Mỹ.