Sức khỏe

Tin tức

Pfizer yêu cầu khó với FDA về liều vắc-xin thứ 3

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hãng dược phẩm Pfizer hôm 9-11 cho biết đã yêu cầu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép tiêm liều vắc-xin tăng cường ngừa Covid-19 đối với tất cả người Mỹ từ 18 tuổi trở lên.
Liều vắc-xin thứ 3, được Pfizer phát triển cùng đối tác BioNTech của Đức, trước đó đã được FDA cho phép sử dụng ở người cao tuổi và người có nguy cơ mắc bệnh 6 tháng sau khi họ tiêm đủ hai mũi. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, hơn 25 triệu người Mỹ đã tiêm liều bổ sung của một trong 3 loại vắc-xin Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson tính đến hôm 8-11.
Pfizer cho hay họ đang yêu cầu FDA phê duyệt đề xuất trên sau khi dữ liệu nghiên cứu trên hơn 10.000 người cho thấy liều bổ sung là an toàn và hiệu quả.
 
Hơn 25 triệu người Mỹ đã tiêm liều bổ sung. Ảnh: Reuters
Hơn 25 triệu người Mỹ đã tiêm liều bổ sung. Ảnh: Reuters
Theo tờ New York Times trích các nguồn tin giấu tên, FDA có thể chấp thuận yêu cầu của Pfizer trước Lễ Tạ ơn ngày 25-11. Tiêm nhắc lại vốn là chủ đề gây tranh cãi đối với các nhà khoa học đặc biệt là khi nhiều người ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới vẫn chưa được tiêm liều vắc-xin đầu tiên.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia giàu có ngừng tiêm tăng cường trong khi một số nhà khoa học cho biết họ không tin rằng hầu hết người Mỹ cần liều bổ sung lúc này.
Trong nỗ lực chạy đua sản xuất các loại vắc-xin ngừa Covid-19, Trưởng nhóm khoa học WHO Soumya Swaminathan bày tỏ hy vọng vào các loại vắc-xin ngừa Covid-19 "thế hệ thứ hai", bao gồm dạng xịt mũi và dạng uống.
Bà Soumya Swaminathan hôm 9-11 cho biết có 129 loại vắc-xin đang thử nghiệm lâm sàng trên người và 194 loại khác đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Theo bà Swaminathan, một số loại vắc-xin thuộc thế hệ thứ hai có thể mang nhiều lợi thế, nhất là vắc-xin dạng uống hay dạng xịt mũi bởi chúng dễ được đưa vào cơ thể hơn vắc-xin dạng tiêm.
WHO đến nay đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 7 loại vắc-xin ngừa Covid-19 là Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm, Sinovac và tuần trước là Bharat Biotech. Bà Swaminathan nhấn mạnh không có loại vắc-xin nào hiệu quả 100%, không ai tuyên bố vắc-xin có khả năng bảo vệ 100% nhưng 90% đã là con số tuyệt vời.
Theo bà Swaminathan, những loại vắc-xin mà WHO phê duyệt vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu đáng lo ngại nào đến mức cần xem xét lại.
Xuân Mai (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm