Bạn đọc

Phản biện Dự thảo Chương trình hành động về thực hiện phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 26-10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị phản biện Dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. 
Các đồng chí: Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình hành động là tập trung lồng ghép nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các chương trình trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giảm nghèo nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước, giảm số xã và số thôn đặc biệt khó khăn. Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư theo quy hoạch; phát triển toàn diện về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân… 
Quang cảnh hội nghị phản biện. Ảnh: Anh Huy
Tại hội nghị, đã có 11 lượt ý kiến tham gia vào 9 nhóm vấn đề với 31 mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 và 7 nhóm vấn đề với 11 mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo. Các đại biểu cho rằng, việc đánh giá hiện trạng cần bám sát thực tế hơn nữa với những số liệu cụ thể; một số chỉ tiêu phải rõ ràng, không mang tính tương đối; cần nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp đối với các chỉ tiêu liên quan đến giảm nghèo, bố trí và sắp xếp ổn định dân cư, xóa mù chữ, cấp thẻ bảo hiểm y tế, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng…
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị việc xây dựng giải pháp trong Dự thảo Chương trình hành động cần tương thích với nguyên nhân hạn chế, tồn tại đã nêu; các nhóm vấn đề, mục tiêu giữa 2 giai đoạn phải có sự xuyên suốt; xem xét và bổ sung thêm vào dự thảo một số nội dung liên quan đến vấn đề tôn giáo, người cao tuổi, đội ngũ người uy tín trong cộng đồng, việc ứng dụng công nghệ thông tin…
Trên cơ sở những ý kiến phản biện tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp thành văn bản và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thời gian sớm nhất.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm