Giáo dục

Tuyển sinh

Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai: Chuẩn bị các điều kiện để triển khai đào tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi có quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, các bên liên quan đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để nhanh chóng triển khai hoạt động đào tạo theo quy định.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên

Ngày 5-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Quyết định số 2418/QĐ-BGDĐT về việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

Việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai góp phần duy trì và mở rộng quy mô đào tạo; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT cũng như nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh Gia Lai nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.

phan-hieu-truong-dai-hoc-su-pham-tp-ho-chi-minh-tai-gia-lai-bg-2-310-9236.jpg
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai gấp rút chuẩn bị tốt các điều kiện để Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh triển khai hoạt động đào tạo theo quy định. Ảnh: T.D

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà-Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, việc chuyển đổi Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai thành Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh được tiến hành theo 3 bước: lập hồ sơ xin phép Bộ GD-ĐT cho chủ trương; hoàn thành hồ sơ để xin phép Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập; hoàn thành hồ sơ để xin phép Bộ GD-ĐT triển khai các hoạt động đào tạo.

Đến nay, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và UBND tỉnh đã hoàn thành các hồ sơ và được Bộ GD-ĐT thông qua 2 bước đầu tiên. Hiện các bên liên quan đang hoàn tất bước cuối cùng trình Bộ GD-ĐT cho phép Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai đi vào hoạt động theo quy định.

“Một trong những lợi thế trong quá trình chuyển đổi Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai thành Phân hiệu của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh chính là cơ sở vật chất sẵn có, đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy của Phân hiệu, đội ngũ giảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng về mặt chuyên môn.

Các hoạt động chuyên môn của trường hiện vẫn đang tiến hành theo những hoạt động được các cấp có thẩm quyền cho phép bao gồm: liên kết đào tạo, bồi dưỡng các hình thức, các nội dung như bồi dưỡng tiếng Việt cho học sinh Lào; bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non; bồi dưỡng tiếng Jrai, Bahnar cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh”-Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà thông tin.

phan-hieu-truong-dai-hoc-su-pham-tp-ho-chi-minh-tai-gia-lai-bg-8265-7432.jpg
Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai bồi dưỡng tiếng Việt cho du học sinh Lào. Ảnh: Trần Dung

Thạc sĩ Trần Văn Phê-Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai) cho hay: Nhà trường sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giảng viên để chuẩn bị chuyên môn và hành trang tốt nhất cho việc hoạt động của Phân hiệu.

Chúng tôi cũng đang kỳ vọng rất nhiều cho hoạt động đào tạo sắp tới vì trong Phân hiệu sẽ tổ chức trường liên cấp phổ thông thực hành và trường mầm non thực hành. Đây là điều kiện tốt để phát huy lợi thế của đội ngũ giảng viên. Bởi lẽ, nhà trường hiện có nhiều giảng viên có trình độ cao về các môn Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật và Thể dục…

Ngoài giảng viên về bộ môn năng khiếu thì nhà trường đã nhanh chóng thành lập Trung tâm Kỹ năng sống nhằm phục vụ tốt nhất cho trường liên cấp phổ thông thực hành và trường mầm non thực hành sau này.

Sẵn sàng công tác tuyển sinh

Hiện nay, Gia Lai đang thiếu hụt đội ngũ giáo viên giảng dạy ở các bậc học từ mầm non đến THPT. Chính vì vậy, sự chuyển đổi từ Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai thành Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế.

“Sau khi chính thức đi vào hoạt động, dự kiến năm học 2025-2026, Phân hiệu sẽ tiến hành tuyển sinh 300 chỉ tiêu và đào tạo ở 3 ngành: Giáo dục mầm non (ngành sẽ được chiêu sinh đào tạo ở cả 2 trình độ cao đẳng và đại học); Giáo dục tiểu học; Khoa học tự nhiên”-Tiến sĩ Hà cho biết.

Đến nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cũng đã liên kết với Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh để chiêu sinh các lớp liên thông trình độ đại học đối với giáo viên mầm non và tiểu học. Công tác tuyển sinh đang được triển khai thực hiện.

3trd-2679-2181.jpg
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đang phối hợp tiến hành chuyển đổi thành Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Dung

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà-Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai: Việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển chung của địa phương; mở ra cơ hội cho học sinh Gia Lai và các tỉnh lân cận trong việc lựa chọn môi trường đại học chất lượng, uy tín.

Dự kiến, nhà trường tiếp nhận hồ sơ đến hết ngày 30-11-2024. Sau đó, Ban Tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh sẽ tiến hành xét tuyển theo quy định và mở lớp. Nếu quá trình chuyển đổi hoàn tất thì việc đào tạo đối với sinh viên sẽ tiếp tục được chuyển sang Phân hiệu.

Cũng như các nội dung khác, đối với các hoạt động nhà trường đang triển khai theo quy định khi được chuyển đổi thành công thì sẽ giao cho Phân hiệu tiếp tục đào tạo bồi dưỡng, tổ chức thi và cấp chứng chỉ… nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học.

Ngoài ra, để đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai, ngoài hệ đào tạo chính quy, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học.

Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai sẽ thực hiện trách nhiệm đào tạo nhân lực cho tỉnh cũng như một số tỉnh khu vực Tây Nguyên và lân cận. Trong đó, cam kết đào tạo ưu tiên tối đa cho ngành Sư phạm để đảm bảo đủ giáo viên cho các tỉnh trong khu vực, nhất là đội ngũ giáo viên các môn còn thiếu cũng như có nhu cầu từ bối cảnh chung của địa phương.

Song song đó, việc bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và nhân lực khác cũng sẽ được ưu tiên như một nhiệm vụ tối quan trọng. Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh có chiến lược phát triển đa cơ sở, đa phân hiệu nhằm xứng đáng với vị trí trọng điểm quốc gia, nhất là đào tạo nhân lực có chất lượng cao trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Có thể bạn quan tâm