Thời sự - Bình luận

Phân quyền có chọn lọc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết về cải cách bộ máy quản trị quốc gia theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.

Đây là một bài viết có ý nghĩa quan trọng trong việc tối ưu hóa hiệu quả quản lý Nhà nước, giảm thiểu lãng phí tài nguyên và nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy công quyền.

Đây cũng là chỉ đạo chiến lược nhằm tăng cường tính linh hoạt, giảm gánh nặng cho ngân sách và tăng cường sự chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề ra nhiệm vụ “xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới”. Thực tiễn đã cho thấy, muốn xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất.

Trên thế giới, có 3 mô hình tổ chức bộ máy cơ bản cho hệ thống chính trị. Thứ nhất là mô hình tập quyền với đặc trưng là quyền lực tập trung vào một cấp hoặc một cơ quan Trung ương. Thứ hai là mô hình phân quyền với đặc trưng là sự phân chia quyền lực giữa Trung ương và các cấp địa phương, cho phép mỗi cấp có thẩm quyền và trách nhiệm riêng. Thứ ba là mô hình hỗn hợp với sự kết hợp các yếu tố của cả mô hình tập quyền và phân quyền; quyền lực Trung ương mạnh mẽ nhưng có phân quyền nhất định cho các cấp địa phương.

Đối với Việt Nam, để đạt được mục tiêu xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với nền tảng văn hóa, mô hình hỗn hợp là lựa chọn, bởi nó cho phép duy trì quyền lực tập trung để đảm bảo định hướng chính sách nhất quán; đồng thời tạo điều kiện cho các cấp địa phương tự chủ nhất định, giúp xử lý linh hoạt các vấn đề theo đặc thù từng vùng.

Phân quyền có chọn lọc giúp giảm tải cho các cơ quan Trung ương, từ đó bộ máy Trung ương có thể tập trung vào các vấn đề chiến lược, quan trọng; trong khi các địa phương giải quyết hiệu quả hơn từng vấn đề cụ thể tại chỗ. Mô hình hỗn hợp cũng khuyến khích sắp xếp, tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả, nhờ vào sự phân định rõ ràng giữa Trung ương và địa phương.

Hỗn hợp là mô hình tổng thể, tuy nhiên, phân cấp, phân quyền như thế nào trong mô hình này cũng là một vấn đề cần được giải quyết. Hiện nay chúng ta đang thí điểm việc phân cấp. Ở khu vực đô thị của TP Hà Nội, chính quyền có 3 cấp: Trung ương, thành phố và quận. Ở khu vực đô thị của TPHCM và TP Đà Nẵng, chính quyền có 2 cấp: Trung ương và thành phố.

Ở các tỉnh/thành khác, chính quyền có 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Theo tinh thần bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta phải sớm tổng kết để lựa mô hình phân cấp cho phù hợp.

Về phân quyền, nếu chúng ta phân quyền theo tinh thần “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, mô hình bổ trợ là lựa chọn phù hợp nhất. Mô hình này cho phép duy trì quyền lực Trung ương trong các vấn đề lớn, nhưng trao quyền tự chủ hiệu quả cho các địa phương, phù hợp với xu hướng hiện đại hóa và phân cấp, phân quyền. Cấp dưới có thể tự quyết trong các vấn đề phù hợp, từ đó giảm bớt áp lực cho Trung ương và khuyến khích địa phương phát triển nội lực.

Bằng cách áp dụng nguyên tắc bổ trợ, Việt Nam có thể tối ưu hóa nguồn lực và tránh được tình trạng chồng chéo quyền hạn giữa các cấp. Mô hình bổ trợ vừa đảm bảo tính thống nhất quốc gia vừa thúc đẩy tự chủ địa phương, là lựa chọn tối ưu để phát triển hệ thống quản lý tinh gọn và hiệu quả .

Theo TS NGUYỄN SĨ DŨNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm