(GLO)- Không biết pháo xuất hiện ở nước ta tự khi nào nhưng đốt pháo từ lâu đã trở thành tập quán của người Việt. Đặc biệt, người Việt xem pháo là thứ không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán. Học giả nổi tiếng Nguyễn Văn Huyên trong bài viết “Tết Nguyên đán của người Việt Nam” đăng trên một tạp chí tiếng Pháp xuất bản năm 1941 đã nói rất rõ về điều này: “…trong nhiều giờ, từ 11 giờ đêm tới 2, 3 giờ sáng, cả thành phố và nông thôn dường như phải nghe một tràng tiếng nổ không dứt. Tràng tiếng nổ đó làm vui tất cả mọi người, lớn cũng như bé.
Nếu không có nó và, như ngạn ngữ thường nói, nếu không có thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, không có bánh chưng, không có cây nêu, thì chẳng có Tết thật sự. Vì thế, mỗi gia đình đều cố gắng tích trữ sẵn pháo dùng trong 3 ngày Tết”. Còn học giả Phan Kế Bính trong sách “Việt Nam phong tục” xuất bản đầu thế kỷ XX cũng viết: “Trong mấy hôm Tết, ngày nào cũng đốt pháo”.
Ảnh internet |
Dù đã đi vào tâm thức của biết bao thế hệ người Việt như một âm thanh tượng trưng cho sự vui mừng, hạnh phúc, nhưng ở một chiều hướng khác, pháo cũng là nguyên nhân đẩy nhiều gia đình vào bất hạnh, gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh, ô nhiễm môi trường và tổn thất kinh tế cho đất nước. Theo báo cáo của 44/53 địa phương, trong dịp Tết Giáp Tuất (1994) đã có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm chết 71 người, làm bị thương 765 người và tiêu tốn 20-30 tỷ đồng. Những con số trên cho thấy, tổn thất về người và của do đốt pháo là quá lớn. Bởi vậy, ngày 8-8-1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo từ ngày 1-1-1995.
Còn nhớ, Tết Nguyên đán Ất Hợi 1995, cái Tết đầu tiên quy định cấm đốt pháo của Chính phủ có hiệu lực, hầu như tất cả mọi người đều cảm thấy thẫn thờ bởi thiếu vắng một âm thanh quá đỗi quen thuộc, ấy là tiếng pháo. Có thể hiểu được cảm giác này bởi lẽ, khi đốt pháo đã trở thành một nét phong tục, khi tiếng pháo đã trở thành một phần tiềm thức của mỗi người, không dễ gì người ta có thể quên ngay được. Nhưng rồi qua thời gian, người dân cũng dần quen với sự thiếu vắng tiếng pháo trong ngày Tết và họ nhận ra một điều, Tết dù không tiếng pháo vẫn tràn ngập niềm vui, niềm vui của sự yên bình, không còn phải lo lắng về những tai nạn có thể xảy ra với gia đình mình do pháo gây ra.
Những tưởng tiếng pháo sẽ mãi trôi vào quá vãng, nếu có xuất hiện chăng thì chỉ trong những câu chuyện mang màu hoài niệm của nhiều thế hệ về những cái Tết ngày xưa. Nào ngờ, vài năm trở lại đây, pháo lại xuất hiện khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn, bất chấp nỗ lực tuyên truyền, ngăn chặn của các cấp chính quyền và lực lượng chức năng. Vui đâu chưa thấy nhưng nhiều vụ tai nạn do pháo đã xảy ra, để lại hậu quả đau lòng cho nhiều gia đình và xã hội. Theo số liệu được một tờ báo uy tín dẫn ra cách đây vài ngày, năm 2015, cả nước ghi nhận có 55 vụ tai nạn thương tâm do pháo gây ra. Đến Tết Nguyên đán 2016, con số này đã tăng lên 86 vụ. Còn trong 7 ngày Tết Đinh Dậu 2017, cả nước có 150 người phải nhập viện vì tai nạn do pháo.
Những con số đau lòng trên cùng các quy định khá cứng rắn của pháp luật đối với hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, đốt pháo dường như tác động không nhiều đến một bộ phận người dân, nhất là lứa tuổi thanh-thiếu niên. Rất nhiều người bằng cách này hay cách khác vẫn cố tìm mua pháo về để đốt, xem đó như một thú vui trong dịp Tết. Vậy nên vài năm nay, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, tình trạng đốt pháo lại diễn biến phức tạp trên cả nước. Ngay tại Gia Lai, từ khoảng gần 1 tháng nay, tình trạng đốt pháo đã xảy ra ở nhiều nơi. Ở thị xã Ayun Pa, chỉ trong 2 tuần đầu năm 2018, lực lượng Công an đã phát hiện và xử phạt hành chính 4 vụ đốt pháo trái phép.
Có cầu ắt có cung. Để đáp ứng “thú vui” vi phạm pháp luật của một bộ phận người dân, nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật để buôn bán pháo trái phép. Chỉ trong khoảng 1 tháng trở lại đây, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều đối tượng vận chuyển, buôn bán pháo trái phép. Trong số này có 2 vụ vận chuyển với số lượng trên 2 tạ pháo/vụ bị Công an huyện Đức Cơ và Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ.
Trong những ngày đầu năm mới, một điều không ai không mong muốn, ấy là sự bình an cho người thân và gia đình. Nhưng nghịch lý là nhiều người lại sẵn sàng đốt pháo dù biết việc này có thể gây ra tai nạn cho chính bản thân và những người xung quanh, chưa kể còn bị pháp luật xử lý nếu bị phát hiện. Khi ấy, tiếng pháo sẽ không còn là tiếng reo vui nữa mà là nỗi buồn.
Tết vui hay Tết buồn có lẽ là do chính bản thân mỗi người chứ không phải vì tiếng pháo.
Lê Hà