Kinh tế

Phập phù chanh dây!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một người bạn hưu trí trong “hội cà phê sáng” vừa cho tôi túi chanh dây có lẽ phải trên 3 kg. “Cứ uống hết, mình lại mang nữa cho. Của nhà mà, có bán chác gì đâu”-anh bạn cười khi thấy tôi có vẻ ái ngại bởi anh cứ biếu hoài.

Vốn là một cán bộ lãnh đạo Mặt trận cấp thành phố, thời đương chức, bạn tôi dành dụm tiền mua 2 ha đất vườn ở ngoại ô TP. Pleiku. Người ta trồng gì thì anh trồng đó. Anh chị đổ công sức vào trồng cà phê. Vào ngày nghỉ, cả nhà xuống vườn cuốc xới, cắt tỉa, bón phân… như nông dân thứ thiệt. Là cán bộ chuyên ngồi văn phòng nhưng nhờ siêng năng và ham học hỏi nên vườn cà phê cũng giúp anh chị nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, xây được nhà ở kiên cố và còn để dành chút đỉnh trong ngân hàng. Mỗi lần gặp nhau, anh vẫn tự hào: Có người lợi dụng công việc nhà nước để tiêu cực, mình thì tranh thủ ngày nghỉ để lao động!

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, ngoài cà phê, anh còn trồng thêm chanh dây. Không phải chạy theo phong trào, anh chỉ trồng xen trên đất vườn, trồng ngay khu vực tái canh những cây cà phê già cỗi, kém năng suất. Anh chia sẻ: Chanh dây dễ trồng, cho thu hoạch 70-100 tấn/ha/năm, vườn nào chăm sóc tốt có thể thu đến 120-130 tấn/ha/năm. Nếu tính giá trung bình 15 ngàn đồng-17 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ha lãi từ 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng/năm.

Mấy năm gần đây, nhiều hộ nông dân có nguồn thu nhập ổn định nhờ trồng chanh dây. Gia Lai, Đak Lak và một số tỉnh khác đều rộ lên phong trào trồng chanh dây, thậm chí có nơi người ta còn đốn hạ cả vườn cao su để trồng. Vụ chanh năm nay, tôi biết một người tên Hải ở xã Biển Hồ (TP. Pleiku) thuê đất của Nông trường Cao su Ia Phú (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah) để trồng chanh dây. Các lô cao su này đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản nên có thể trồng xen cây chanh dây trên khoảng đất trống giữa 2 hàng cao su. Anh Hải làm rất quy mô, chuẩn bị hàng chục ngàn cọc tre dài hơn 2 mét làm trụ, cũng chừng đó cây le để cắm cho dây chanh bám trước khi lên giàn và hàng tấn dây nhựa cứng dùng buộc các cọc tre làm giàn cho chanh leo. Hố trồng chanh được đào rộng, sâu và bón đủ các loại phân hóa học cùng với phân chuồng. Anh kéo điện về, làm cả lán cho công nhân ở, đào giếng lấy nước tưới cây. Mới hơn 3 tháng mà vườn chanh của anh đã cho quả, trái lúc lỉu kín giàn. Dự kiến anh ấy sẽ thu về cả vài tỷ đồng tiền bán chanh dây!

Vì sao thời gian gần đây nhiều người đầu tư trồng chanh dây? Cũng dễ hiểu bởi chanh dây đầu tư thấp, lãi cao; dễ trồng, cho thu hoạch sớm và quanh năm, đồng thời nếu chăm sóc tốt có thể thu đến hơn 120 tấn/ha, chu kỳ canh tác hiệu quả đến 2 năm. Bên cạnh đó, chanh dây trồng xen được trên nhiều loại đất vườn cùng các loại cây trồng khác. Giá chanh dây có lúc lên đến 40-50 ngàn đồng/kg nhưng khi hạ thì cũng nằm mức trên dưới 20 ngàn đồng/kg, bảo đảm cho người trồng có lãi. Trên thực tế, có doanh nghiệp trước đây lao đao vì đầu tư vào kinh doanh địa ốc, trồng cao su, trồng mía, nuôi bò... gần đây đã vực dậy được nhờ chuyển sang trồng chanh dây cùng một vài cây ăn quả khác.

Nông dân ta thường sản xuất theo phong trào và phụ thuộc vào thị trường ổn định hay không. Hiện diện tích chanh dây trên địa bàn tỉnh đã xấp xỉ 3.000 ha. Vì vậy, bà con nông dân cần quan tâm theo dõi để có sự điều chỉnh trong đầu tư trồng mới hoặc rút giảm diện tích, chuyển sang những loại cây ổn định, nhằm tránh thua lỗ nếu ứ đọng đầu ra.

Nguyên Anh

Có thể bạn quan tâm