Nhiễm biến thể Omicron có thể mang lại khả năng "siêu miễn dịch" trước các biến thể COVID-19 khác trong tương lai.
Tiêm vaccine COVID-19 tạo khả năng miễn dịch với virus. Ảnh: AFP |
Khả năng miễn dịch đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu khi người dân tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường. Tờ Business Insider cho hay, các ca lây nhiễm đột phá (trường hợp một người được tiêm đầy đủ vaccine ngăn ngừa một bệnh nhưng bị mắc lại chính bệnh đó - PV) đã gây ngạc nhiên cho một phần nhỏ dân số được tiêm chủng, mặc dù vaccine vẫn có hiệu quả để ngăn ngừa bệnh nặng.
Tuy nhiên, các bằng chứng mới xuất hiện cho thấy những người đã được tiêm chủng đầy đủ và có khả năng miễn dịch nhờ lần mắc COVID-19 trước đó dường như được bảo vệ rất tốt để chống lại sự lây nhiễm trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Y tế Oregon (Mỹ) mô tả khả năng bảo vệ kép này là "siêu miễn dịch". Phát hiện của các nhà nghiên cứu trùng khớp với dữ liệu CDC gần đây cho thấy những người từng mắc COVID-19 và hồi phục, sau đó vẫn tiêm vaccine, ít có khả năng nhiễm biến thể Delta. Nghiên cứu ban đầu ở Áo cho thấy khả năng siêu miễn dịch tương tự với biến thể Omicron.
Tuy nhiên, siêu miễn dịch không có nghĩa không mắc COVID-19, chỉ là hiệu quả bảo vệ cao hơn. Một biến thể khác có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Đối với các chuyên gia sức khỏe cộng đồng, điều lo ngại là không thể đoán trước được việc mắc COVID-19.
Tiến sĩ Robert Murphy, Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, nói với CNN: “Sẽ là điên rồ nếu cố gắng lây nhiễm bệnh này, điều đó giống như chơi với thuốc nổ".
Siêu miễn dịch sẽ không có tác dụng nếu không có nền tảng tiêm chủng. Một lần lây nhiễm tự nhiên sẽ chỉ tạo ra mức độ miễn dịch bình thường cùng với hóa đơn y tế tiềm ẩn cao, nguy cơ ốm nặng và COVID-19 kéo dài.
Những người được tiêm chủng nhưng vẫn bị lây nhiễm đột phá trong đợt bùng phát biến thể Delta có kháng thể ở mức hiệu quả hơn 1.000% so với những kháng thể được tạo ra sau lần tiêm vaccine Pfizer thứ hai. Không chỉ mức độ kháng thể cao mà khả năng vô hiệu hóa chéo các biến thể khác nhau cũng cao đáng kể, theo phó giáo sư về vi sinh và miễn dịch Fikadu Tafesse - đồng tác giả của nghiên cứu ở Oregon. Bằng cách để hệ miễn dịch tiếp xúc với nhiều biến thể của cùng một loại virus, về cơ bản bạn đang cho cơ thể thấy nhiều dạng coronavirus có thể tiếp nhận.
Trong khi người bệnh nằm liệt giường vì mệt mỏi và đau nhức cơ thể, các tế bào T và tế bào B vẫn làm việc chăm chỉ. Những chiến binh miễn dịch này chịu trách nhiệm tấn công các tế bào bị nhiễm bệnh và tạo ra nhiều kháng thể hơn. Kết quả là một kế hoạch phòng thủ được đào tạo tốt hơn cho lần tiếp theo cơ thể gặp phải virus.
“Toàn bộ việc nhiễm virus sẽ rèn luyện khả năng miễn dịch theo cách hoàn thiện hơn so với khả năng miễn dịch nhận được từ vaccine, chủ yếu là protein gai” - phó giáo sư Tafesse cho hay.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thu thập dữ liệu để hiểu cách siêu miễn dịch chống lại Omicron, nhưng phó giáo sư Tafesse tỏ ra lạc quan. Ông cho rằng những người bị lây nhiễm đột phá sẽ có mức độ bảo vệ cao, kể cả với Omicron.
Ông hy vọng biến thể Omicron sẽ đưa đại dịch kết thúc với điều kiện sẽ không xuất hiện một biến thể khác vô hiệu hóa khả năng miễn dịch của biến thể trước đó.
SONG MINH (LĐO)