Công ty kinh doanh mỹ phẩm đã nhập các loại sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc với giá rẻ rồi rao bán lên mạng xã hội đẩy lên 5 – 7 lần giá thực để kiếm lời.
Gần 1.500 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc đang được đưa ra thị trường tiêu thụ |
Ngày 17/11, thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết, đơn vị vừa phát hiện, xử lý gần 1.500 sản phẩm về mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, vào chiều 16/11, tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện bà Nguyễn Thị Lệ Quyên (39 tuổi, ngụ phường Thành Nhất, TP.Buôn Ma Thuột) đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường Hà Huy Tập (phường Tân Lợi) chở theo 2 thùng hàng có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Tại đây, tổ công tác phát hiện bên trong thùng hàng có chứa 180 hộp có dán nhãn kem dưỡng trắng da Q-Lady. Thời điểm này, bà Quyên cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số hàng trên.
Qua đấu tranh, bà Quyên khai nhận số hàng này bà được ông Bùi Văn Tuyên (28 tuổi) – Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ mỹ phẩm Q-Lady (trụ sở tại 68A Nguyễn Đình Chiểu, phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) thuê chở đi gửi xe khách về huyện Krông Năng cho khách hàng.
Các sản phẩm dưỡng da được nhập giá rẻ rao bán với giá gấp 5 - 7 lần |
Tiến hành làm việc với ông Tuyên tại công ty, ông này thừa nhận ngoài những sản phẩm giao cho bà Quyên, công ty còn có 1.300 sản phẩm mỹ phẩm các loại mang nhãn hiệu Q-Lady như: Kem dưỡng trắng da mặt, kem dưỡng ẩm, sữa tắm trắng, xịt dưỡng trắng phun sương cũng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Cơ quan chức năng xác định, công ty của ông Tuyên thường nhập các mặt hàng mỹ phẩm trên từ TP.Hồ Chí Minh với giá 50.000 – 60.000 đồng/hộp. Sau đó, dùng trang Facebook đăng quảng cáo bán lại với giá từ 270.000 – 350.000 đồng/hộp để kiếm lời.
Hiện cơ quan chức năng đã niêm phong lô sản phẩm và gửi mẫu đi trưng cầu giám định để làm căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Thúy Diễm (Dantri)