TN - Đất & Người

Phát hiện những vật quý thời Vua Duy Tân năm 1911 tại đình cổ An Dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vào ngày 9-9-2016, qua đợt điền dã tìm kiếm tư liệu để phục vụ công tác nghiên cứu “Lịch sử và văn hóa vùng đất An Khê, Gia Lai”, tôi đã phát hiện tại đình An Dân còn lưu giữ hai đạo sắc phong từ thời Duy Tân (1911). Hai đạo sắc phong này có kích thước tương đối lớn (1,20 x 0,60) mét, làm từ giấy gió, dày, màu vàng đậm, một bề mặt được trang trí hoa văn hình rồng mây màu nhũ bạc, diềm sắc phong rộng 4 cm trang trí văn triện.

Đình An Dân nay thuộc tổ 8, phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Đình thờ Thiên Y A Na, Thần Bạch Mã và Bổn cảnh thành hoàng làng, có công phò nước giúp dân.

 

Đạo sắc phong thứ nhất Vua Dua Tân ban cho đình An Dân. Ảnh Nguyễn Hồng Thắng.
Đạo sắc phong thứ nhất Vua Dua Tân ban cho đình An Dân. Ảnh: Nguyễn Hồng Thắng


Sắc phong thứ nhất có nội dung: ngày 8 tháng 6 (nhuận) năm 1911, Vua Duy Tân đã sắc phong Thiên Y A Na diễn ngọc phi tôn thần là thượng đẳng thần và được ban các mỹ tự: “Hoàng huệ phổ thế, linh cảm, diệu thông, mặc trưởng, trang vi, dực bảo, trung hưng”.
 

Đạo sắc phong thứ hai Vua Dua Tân ban cho đình An Dân. Ảnh: Nguyễn Hồng Thắng
Đạo sắc phong thứ hai Vua Dua Tân ban cho đình An Dân. Ảnh: Nguyễn Hồng Thắng


Năm 1911 Vua Duy Tân tiếp tục ban cho thôn An Dân đạo sắc thứ hai. Đạo sắc này có nội dung: Ta ban sắc phong cho thôn An Dân, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định thờ phụng vị Bạch mã chi thần và Bổn cảnh thành hoàng chi thần. Các ngài đã có công phò nước giúp dân tỏ rõ linh ứng. Ngài Bạch mã xứng đáng được phong các mỹ tự: “Đôn ngưng, dực bảo, trung hưng chi thần. Ngài Bổn cảnh thành hoàng xứng đáng được phong: Bảo an, chánh trực, hữu thiện, đôn ngưng, dực bảo, trung hưng chi thần”.

Theo ông Huỳnh Văn Hiền 66 tuổi, là Phụng tế kiêm Thủ sắc của làng thì trước kia đình tọa lạc giữa hai bàu Kho và bào Lễ, hướng mặt về phía Nam. Đó là một cánh đồng rộng lớn màu mỡ, mà người dân đã khai hoang lập làng An Dân. Ngày 17 tháng 2 (Âm lịch) hàng năm, đình tổ chức cúng Quý xuân rất long trọng. Phụng tế của đình phải trai giới 3 ngày mới được đứng làm chủ bái. Lễ vật cúng là một con heo lớn.

Hiện đình đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng vẫn còn giữ được các câu đối cổ bằng chữ quốc ngữ:
An đình nhơn hòa thần đắc hộ
Dân an lý thịnh phúc trường sinh.    

Sau bình phong:
Thần an bảo quốc công dân tạo
Phúc hảo sanh hiền lý bảo an.


Trước chính điện:
Tôn nguyên tự tá nguyện phò thần
Diện mạo uy nghi lập trùng thiên.


Ông Trần Ngọc Ảnh 79 tuổi cho biết năm 1965, đế quốc Mỹ yêu cầu dân làng dời đi để chúng xây dựng căn cứ (gần Sư đoàn Bộ binh II) nên dân làng mới di dời đình về vị trí hiện nay. Hiện tại đình còn lưu giữ được hộp đựng sắc từ xa xưa. Hộp dài được sơn son thiếp vàng, trên nắp hộp được vẽ 1 con rồng lớn, cả thân hình ôm trọn hộp đựng sắc. Đây là chi tiết quan trọng thể hiện sự tài hoa, tinh xảo của thợ thủ công trong cung đình lúc bấy giờ.

 

Cờ ngũ sắc và hộp đựng hai đạo sắc phong. Ảnh Nguyễn Hồng Thắng.
Cờ ngũ sắc và hộp đựng hai đạo sắc phong. Ảnh: Nguyễn Hồng Thắng


Ngoài ra Ban nghi lễ của đình An Dân còn lưu giữ một lá cờ ngũ sắc được làm thủ công rất cổ. Theo các bậc cao niên kể lại thì lá cờ ngũ sắc này có từ lúc sắc thần được vua ban cho dân làng An Dân. Trung tâm của lá cờ đề An Dân Đình bằng chữ hán. Trên đỉnh lá cờ được thêu song long tranh châu, màu sắc trang trí rất hài hòa nhưng không kém phần uy nghiêm.

Trong chính điện, đình An Dân tuy bị xuống cấp nhưng đây là đình duy nhất còn lưu giữ được những đồ thờ cúng cổ. Trước tủ đựng sắc, là hai thanh Đoản kiếm bằng gỗ còn nguyên trong bao, đứng sau cặp hạc lớn bằng đồng như được gửi gắm niềm tin hộ sắc, (bảo vệ sắc thần), an dân.

 

Hạc thần và đoản kiếm hộ sắc. Ảnh Nguyễn Hồng Thắng. Ảnh Nguyễn Hồng Thắng
Hạc thần và đoản kiếm hộ sắc. Ảnh: Nguyễn Hồng Thắng


Hai bên chánh điện là 2 bộ lễ bộ với 16 món binh khí được xắp xếp theo thứ tự: lệnh bài, trường quyền (đối với quan văn thì trường quyền có cầm viết), chùy, đao, thương xà, thiết phủ, trường kiếm, đoản kiếm.
 

Hai đạo sắc phong của Vua Duy Tân ban cho đình An Dân. Ảnh: Nguyễn Hồng Thắng.
Hai đạo sắc phong của Vua Duy Tân ban cho đình An Dân. Ảnh: Nguyễn Hồng Thắng


Hai đạo sắc phong vừa được phát hiện là nguồn sử liệu quý khi nghiên cứu lịch sử văn hóa vùng đất An Khê. Những hiện vật mà đình An Dân còn lưu giữ gần như nguyên vẹn khi nhận sắc phong thần của nhà Nguyễn như: hộp đựng sắc, cờ ngũ sắc, đoản kiếm hộ sắc... là những tư liệu quý giá để làm rõ hơn tên địa danh, khoảng thời gian lập đình, nghệ thuật trang trí, nét đặc sắc của các nghề thủ công truyền thống (nghề mộc và nghề dệt) của vùng đất An Khê giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. 

Ths. Nguyễn Hồng Thắng

Có thể bạn quan tâm