TN - Đất & Người

Phát hiện và tiêu hủy hơn 4 tấn thuốc Ama Kông không rõ nguồn gốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Công an phát hiện và tiêu hủy hơn 4 tấn thuốc Ama Kông không rõ nguồn gốc, đồng thời xử phạt 30 triệu đồng đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm.
 
Một số lượng lớn thuốc Amakông và nguyên liệu không rõ nguồn gốc được Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện, thu giữ.
Chiều 4/6, tại buổi họp báo thường kì tháng 5 do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Từ ngày 6/3 đến ngày 2/4/2019, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra 10 cơ sở kinh doanh thuốc Ama Kông trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, huyện Buôn Đôn và huyện Lắk. Qua đó, đơn vị đã phát hiện và thu giữ trên 4 tấn thuốc có ghi nhãn hiệu Ama Kông không rõ nguồn gốc. Đồng thời, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng đối với các cơ sở vi phạm và tiêu huỷ toàn bộ số thuốc Ama Kông trên.

“Thuốc Amakông được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cấp “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 197749”, 20/12/2012, cho ông Khăm Phết Lào (địa chỉ: buôn Ko Tam, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Amakông thuộc nhóm thảo mộc được tỉnh Đắk Lắk lựa chọn là một trong 27 sản phẩm chủ lực Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Đắk Lắk.”


Theo công an tỉnh Đắk Lắk, vào ngày 7/3, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk đã bất ngờ kiểm tra việc kinh doanh thuốc Ama Kông của gia đình bà Nguyễn Thị Thiết (ở Buôn Ea Ma) và gia đình ông Phạm Văn Khoái (ở buôn Tría A, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn). Tại đây, công an đã thu giữ 2,5 tấn thuốc ghi nhãn hiệu Ama Kông không rõ nguồn gốc. Tiếp đó, Công an cũng tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc Ama Kông của gia đình ông Hồ Việt Sang (xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột) và phát hiện 20 gói thuốc Ama Kông không rõ nguồn gốc đang được gia đình bày bán.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tình trạng thuốc Ama Kông không rõ nguồn gốc được buôn bán công khai đang làm giảm uy tín của tỉnh Đắk Lắk vì đây là bài thuốc được du khách mua làm quà mỗi khi đến Đắk Lắk. Đặc biệt, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. UBND tỉnh tiếp tục giao cho Đoàn liên ngành 389 Đắk Lắk tăng cường kiểm tra, lấy mẫu các mặt hàng Ama Kông đang được lưu hành trên địa bàn, nếu phát hiện thuốc giả, không rõ nguồn gốc, kiên quyết xử lí nghiêm theo pháp luật”.
N.Hùng (Giao Thông)

Có thể bạn quan tâm