TN - Đất & Người

Phát hiện văn phòng tư vấn đưa người đi lao động nước ngoài trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngày 2-3, Đại tá Nguyễn Hữu Lương, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa phát hiện một Văn phòng đại diện có hành vi sử dụng văn bản giả mạo của Văn phòng Chính phủ để tổ chức tư vấn, tuyển chọn người đi lao động thời vụ tại Hàn Quốc trái phép nhằm thu lợi bất chính.

 Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk làm việc với người đại diện của Văn phòng đại diện tại Tây Nguyên của Công ty CP Việt TN.
Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk làm việc với người đại diện của Văn phòng đại diện tại Tây Nguyên của Công ty CP Việt TN.


Cụ thể, từ thông tin của người lao động, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp Phòng lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk tiến hành kiểm tra Văn phòng đại diện tại Tây Nguyên của Công ty CP Việt TN ở Hà Nội, đặt tại địa chỉ số 217/19 đường Ngô Quyền, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, do ông Trần Văn Khương (56 tuổi), trú tại phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột làm Phó Văn phòng đại diện.

Bước đầu, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk đã làm rõ, mặc dù văn phòng này chưa có giấy phép hoạt động, không có chức năng tư vấn, tuyển chọn người lao động Việt Nam đi du học và làm việc ở nước ngoài, nhưng vẫn đặt biển quảng cáo với dòng chữ “Tư vấn xuất khẩu lao động và du học”. Để lấy lòng tin của người dân, văn phòng này đã sử dụng một văn bản giả mạo của Văn phòng Chính phủ (văn bản của Văn phòng Chính phủ đã được các đối tượng chỉnh sửa, thay đổi về nội dung) để tư vấn, tuyển chọn cho rất nhiều người ở hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đi lao động theo thời vụ tại Hàn Quốc để thu tiền.


 

Phiếu thu tiền của người lao động của Văn phòng đại diện tại Tây Nguyên của Công ty CP Việt TN.
Phiếu thu tiền của người lao động của Văn phòng đại diện tại Tây Nguyên của Công ty CP Việt TN.



Ông Trần Văn Khương, Phó trưởng Văn phòng đại diện tại Tây Nguyên của Công ty CP Việt TN (Công ty) cho biết: “Thời gian qua, thấy được nhu cầu của người dân trên địa bàn muốn đi lao động tại Hàn Quốc nhiều nên chúng tôi đã liên kết với Công ty ở Hà Nội mở văn phòng đại diện để hoạt động. Khoảng tháng 5-2020, chúng tôi mở Văn phòng đại diện tại Đắk Lắk và đến nay vẫn chưa có giấy phép hoạt động. Chúng tôi tư vấn đi lao động ở Hàn Quốc mỗi tháng từ 32 đến 38 triệu đồng, làm việc ngày 10 giờ. Khi mở văn phòng, Công ty ở Hà Nội chuyển vào cho chúng tôi một văn bản của Văn phòng Chính phủ dùng để tư vấn”.

Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Hữu Lương, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhân viên của Công ty đã lấy một văn bản của Chính phủ đã bị thay đổi về nội dung để phát tán trên mạng và trực tiếp đưa đi để lôi kéo người dân đi xuất khẩu lao động. Sau khi bị phát hiện thì Văn phòng này đã nhận ra sai phạm của mình.

Tính đến thời điểm bị phát hiện, Văn phòng đại diện tại Tây Nguyên của Công ty đã tổ chức tư vấn, tuyển chọn trái phép 47 người ở hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đi lao động tại Hàn Quốc. Mỗi người, văn phòng đã thu 7 triệu đồng, bao gồm tiền lệ phí đưa đi khám sức khỏe ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh và tiền dịch thuật các loại giấy tờ pháp lý sang tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc. Tổng chi phí mỗi người muốn sang Hàn Quốc lao động phải đóng khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một ai được đi xuất khẩu lao động.

Qua sự việc này, Đại tá Nguyễn Hữu Lương, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo mọi người dân khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động cần liên hệ với các doanh nghiệp đủ tư cách pháp nhân, hoặc liên hệ với các đơn vị của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố để biết được các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các thủ tục quy định về xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Còn đối với các doanh nghiệp, các tổ chức đặt tại TP Buôn Ma Thuột phải đủ tư cách pháp nhân và họ có sự liên kết, hợp tác theo đúng quy định của Nhà nước để đi xuất khẩu lao động đúng pháp luật và có thu nhập chính đáng.

Trưởng phòng Lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Trần Thị Minh Lý cho biết: Phòng đã phối hợp Phòng Bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh mời người đại diện Văn phòng đại diện tại Tây Nguyên của Công ty lên làm việc và người này đã thừa nhận việc làm chưa đúng của mình, đồng thời yêu cầu trả lại số tiền đã thu cho người dân. Ngay sau khi phát hiện ra sự việc này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã làm văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý các doanh nghiệp mở Văn phòng đại diện hoạt động tư vấn giới thiệu đi xuất khẩu lao động khi chưa được cấp phép hoạt động để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 7 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, tuyển chọn người đi lao động ở nước ngoài và một doanh nghiệp được phép tổ chức xuất khẩu lao động đi nước ngoài nhưng hiện nay do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên hoạt động đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài vẫn chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh Đắk Lắk cũng chưa ký kết thỏa thuận hợp tác về đưa người lao động đi làm việc theo thời vụ với bất cứ tỉnh nào của Hàn Quốc. Vì vậy, việc Văn phòng đại diện tại Tây Nguyên của Công ty ở Hà Nội tổ chức tư vấn, tuyển chọn người lao động ở Đắk Lắk đi làm việc theo thời vụ tại Hàn Quốc là trái quy định.

Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk mở rộng điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo NGUYỄN CÔNG LÝ (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm