TN - Đất & Người

Phát hiện vụ đốn cây, đốt gỗ trái phép trong rừng phòng hộ ở Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng chục gốc thông có đường kính từ 40-60cm, dài trên 10-15 mét đã bị đốn hạ, cắt thành khúc dài từ 80-120cm, sau đó, gỗ thông được chất thành từng đống rồi đốt cháy nhằm phi tang.

 
Hàng chục khúc thông có đường kính 20-45cm bị đốt cháy. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN
Hàng chục khúc thông có đường kính 20-45cm bị đốt cháy. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN
Một vụ cưa hạ, đốt cháy gỗ thông nhằm lấn chiếm đất rừng vừa diễn ra tại khoảng 5, tiểu khu 158D thuộc địa chính hành chính xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Nhận được tin báo của người dân, nhóm phóng viên đã tìm đến tiểu khu nói trên. Tại hiện trường, hàng chục gốc thông có đường kính từ 40-60cm, dài trên 10-15 mét đã bị đốn hạ, cắt thành khúc dài từ 80-120cm. Sau đó, gỗ thông được chất thành từng đống rồi đốt cháy nhằm phi tang, tránh sự điều tra của cơ quan chức năng.
Tiểu khu 158D thuộc địa chính hành chính xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt là rừng thông khoảng 20 năm tuổi, thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn.
Tại đây, có trên 20 cây thông 20 năm tuổi đã bị cửa hạ, đốt cháy. Ước tính diện tích đất rừng bị thiệt hại khoảng 1.000m2.
Ngày 20/3, theo lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung (thành phố Đà Lạt), sau một thời gian mật phục, Kiểm lâm Đà Lạt cùng với đơn vị chủ rừng đã bắt quả tang đối tượng Bon Krong Ánh Bình (sinh năm 1980, ngụ thôn 2, xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt), cưa hạ thông trái phép ở khu vực nói trên do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung quản lý.
Kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng ghi nhận có 7 cây thông ba lá thuộc rừng phòng hộ đã bị đối tượng cưa hạ bằng cưa máy. Toàn bộ số cây bị cưa hạ vẫn còn nằm tại hiện trường.
Theo đơn vị chủ rừng - Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung, trước đó (vào đầu tháng 2/2022) cũng tại khoảnh 5, tiểu khu 158D, cơ quan chức năng xác nhận có 25 cây rừng (23 cây thông, 2 cây tạp), thuộc đối tượng rừng phòng hộ, rừng thông trồng đã bị cưa hạ trái phép; khối lượng lâm sản thiệt hại gần là 10m3.
Ngoài ra, hiện trường còn xuất hiện nhiều cọc cắt được căng dây thép gai, mục đích để lấn chiếm đất rừng bất hợp pháp. Cũng theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, hiện đơn vị cùng chủ rừng đang phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục mở rộng điều tra hành vi phá rừng trái pháp luật để xử lý nghiêm theo quy định.
Theo Đặng Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm