Chính trị

Tin tức

Phát huy giá trị di tích Chiến thắng đường 7-sông Bờ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Di tích lịch sử Chiến thắng đường 7-sông Bờ nằm trên quốc lộ 25, là vùng tiếp giáp giữa phường Sông Bờ và xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa). Đây là chiến địa diễn ra trận truy kích địch lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Đông Dương do Sư đoàn 320 của ta làm chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương Gia Lai và Đak Lak đập tan cuộc tháo chạy khỏi chiến trường Tây Nguyên của Quân đoàn 2 ngụy vào tháng 3-1975.

Trận truy kích địch lớn nhất Đông Dương

Dù sức yếu nhưng thi thoảng người cựu binh già Vũ Xuân Mân ở thị xã Ayun Pa vẫn nhờ con cháu chở ra sông Bờ, mắt nhìn xa xăm về phía những rẫy bắp xanh mướt đến tận chân đèo Tô Na. Nơi đây từng diễn ra trận truy kích địch lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Việt Nam hơn 43 năm trước mà ông từng tham gia.

 

Khu vực cầu sông Bờ-nơi dự định xây dựng Khu Di tích Chiến thắng đường 7-sông Bờ. Ảnh: Đ.P
Khu vực cầu sông Bờ-nơi dự định xây dựng Khu Di tích Chiến thắng đường 7-sông Bờ. Ảnh: Đ.P

Những ngày tháng 3-1975, cả Tây Nguyên rạo rực trong không khí bộ đội ta giải phóng Buôn Ma Thuột (ngày 10-3-1975). Bị thua tan tác, tàn quân ngụy buộc phải rút xuống đồng bằng thông qua đường 7 với mục đích co cụm lực lượng ở Duyên hải miền Trung để đối phó với các mũi tiến công của ta và tìm cơ hội phản công chiếm lại Tây Nguyên. Hơn 15 ngàn tên địch thuộc Quân đoàn 2, Quân khu 2 ngụy dắt díu theo vợ con ồ ạt tháo chạy từ Buôn Ma Thuột, Kon Tum-Pleiku  hòng thoát xuống đồng bằng qua ngả đường 7.

Lúc  ấy, ông Mân là Chính trị viên Huyện đội H11 (huyện Phú Thiện và Ia Pa bây giờ) trực tiếp tham gia chiến dịch đường 7. Theo lời ông Mân kể, ác liệt nhất là trận truy kích địch trên đoạn đường dài chừng 10 km từ cầu sông Bờ đến chân đèo Tô Na thuộc địa phận thị xã Hậu Bổn (tỉnh Phú Bổn cũ, nay là thị xã Ayun Pa). Từ sáng 16-3-1975, máy bay trực thăng của ngụy bay đầy trời rải truyền đơn tuyên truyền xúi giục nhân dân di tản theo chúng. Dưới mặt đất, bọn ngụy quyền, binh lính xua đuổi nhân dân đi trước làm bia đỡ đạn cho chúng tháo chạy, hòng gây sức ép ngăn cản sự truy kích của bộ đội ta.

Đoán trước sự di chuyển của địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã lệnh cho Sư đoàn 320 phải thần tốc truy kích, tiêu diệt địch tại Cheo Reo-Phú Bổn, không cho địch tháo chạy về Duyên hải miền Trung. Theo đó, từ sáng sớm 17-3, lực lượng Sư đoàn 320 của ta sau khi hành quân cơ động trong đêm cắt rừng từ Đak Lak qua, đã chiếm lĩnh các núi cao bao vây khu vực Cheo Reo-Phú Bổn. Trong các ngày từ 17 đến 19-3, nhiều trận đánh ác liệt, dữ dội giữa Sư đoàn 320 của ta và quân địch đã diễn ra ở trại Ngô Quyền, Sân bay Phú Bổn, cầu sông Bờ, cầu Cây Sung, đèo Tô Na…

Ông Mân nhớ lại: “Đến 12 giờ ngày 19-3-1975, Sư đoàn 320 của ta đã làm chủ chiến trường, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Bổn (nay là huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa). Phát triển chiến dịch xuống thị xã Tuy Hòa (Phú Yên), ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 22.600 tên địch; đặc biệt bắt sống Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm là chỉ huy cuộc tháo chạy của Quân đoàn 2 ngụy trên đường 7; phá tan âm mưu co cụm về đồng bằng của địch. Đồng thời, kết thúc thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên, tạo tiền đề cho chiến dịch mùa Xuân 1975 thắng lợi”.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống

Chiến thắng đường 7-sông Bờ đã được Bộ Văn hóa-Thông tin ra Quyết định số 53/2011/QĐ-BVHTT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Bên cầu sông Bờ hôm nay, chính quyền địa phương dự định sẽ xây dựng một quần thể di tích lịch sử kỷ niệm chiến thắng vang dội này.

Theo Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vi Hợi-người bắn quả B40 đầu tiên đánh sập cầu sông Bờ chặn đứt đường rút lui của địch năm xưa, cho hay: Chiến địa đường 7-sông Bờ kéo dài hơn 10 cây số từ cầu sông Bờ đến đèo Tô Na. Trong đó, cầu sông Bờ là điểm Tiểu đoàn 9, Sư đoàn 320 chốt chặn trên đường 7 lúc 11 giờ ngày 17-3-1975. “Di tích lịch sử này là bằng chứng hùng hồn về quyết tâm chiến đấu chống ngoại xâm của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 nói riêng, của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung. Với quyết tâm ấy, chúng tôi đã vượt qua mọi gian khó, cơ động lực lượng nhanh, chốt chặn, tiến công, tiêu diệt và bắt sống hơn 1 vạn tên địch, làm tan rã Quân đoàn 2  và Quân khu 2 ngụy, giải phóng Cheo Reo, đánh bại âm mưu co cụm về đồng bằng hòng củng cố lực lượng để quay lại tái chiếm Tây Nguyên của địch”-anh hùng Nguyễn Vi Hợi nói.

Với chiến thắng này, chiến dịch Tây Nguyên kết thúc, thế trận chiến lược của Mỹ-ngụy ở miền Nam Việt Nam đã bị phá vỡ ở một địa bàn xung yếu; vùng ven biển miền Trung, Đông Nam bộ, Sài Gòn bị uy hiếp. Và cùng với chiến thắng Tây Nguyên, cuộc chiến tranh cách mạng của quân và dân ta đã bước sang thời kỳ mới: từ tiến công có ý nghĩa chiến lược, phát triển lên thành tổng tiến công có ý nghĩa chiến lược trên toàn miền Nam, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.

Ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho hay: Trước đây, bằng nguồn vốn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, địa phương đã xây dựng Nhà bia ghi danh liệt sĩ Sư đoàn 320 tham gia chiến dịch tại địa bàn phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa. Địa điểm này cách xa chiến địa đường 7-sông Bờ gần 3 cây số, không phải là địa điểm quy hoạch xây dựng khu di tích. Sau nhiều lần Sư đoàn 320 cùng với chính quyền địa phương tu sửa, nâng cấp, Nhà bia đã trở thành địa điểm để các thế hệ cựu chiến binh và cán bộ, người dân địa phương đến hành lễ, thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Theo biên bản quy định khu vực bảo vệ của di tích Chiến thắng đường 7-sông Bờ do Bảo tàng tỉnh thực hiện ngày 11-8-1998, khu vực di tích có diện tích 15.396 m2, nằm ở phía Đông Nam cầu sông Bờ, phía Đông giáp buôn Hoang (xã Ia Sao), Tây giáp quốc lộ 25, Nam giáp quốc lộ 25, Bắc giáp sông Bờ. Đây được coi là khu vực bất khả xâm phạm, tô màu đỏ trên bản đồ địa chính. Trong khu vực này cấm tuyệt đối mọi hoạt động xây dựng hoặc các vi phạm khác; không một tổ chức hoặc cá nhân nào được tự ý tháo dỡ, thay đổi hoặc làm hư hại, giảm giá trị vốn có của di tích.

Tuy nhiên, hiện nay khu đất này nằm ở bờ sông Bờ bị xói lở hàng năm, theo thời gian bị thu hẹp dần và một phần bị người dân lấn chiếm nên không còn giữ được nguyên trạng. Hiện UBND thị xã Ayun Pa đang đề xuất chuyển quy hoạch khu di tích sang đầu cầu sông Bờ phía bên kia sông, thuộc địa bàn phường Sông Bờ. “Thị xã đang xin chủ trương sử dụng hơn 300 triệu đồng kinh phí trùng tu tôn tạo di tích Chiến thắng đường 7-sông Bờ xây dựng tường rào bảo vệ xung quanh khu đất quy hoạch để xây dựng di tích trong nay mai”-ông Đoàn Thanh Phong-Chánh Văn phòng UBND thị xã Ayun Pa, cho hay.

Theo cựu chiến binh Vũ Xuân Mân, việc xây dựng Khu Di tích Chiến thắng đường 7-sông Bờ là niềm mong mỏi của các thế hệ cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến dịch như ông. Đó sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm