(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê phối hợp với ngành chức năng tiến hành quy hoạch, trùng tu, bảo tồn, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Tây Sơn Thượng đạo. Qua đó, thị xã từng bước phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của di tích gắn với phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong tương lai.
Huy động nguồn lực trùng tu, bảo tồn
Theo ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia vào năm 1991 với 17 di tích, chia thành 6 cụm, phân bố ở 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh. Trên địa bàn thị xã An Khê có 3 cụm gồm: cụm di tích lũy An Khê, An Khê đình, An Khê trường, Gò Chợ; cụm di tích Hòn Bình, Hòn Nhạc, Hòn Tào, Gò Kho-Xóm Ké và cụm di tích Miếu Xà, Cây Ké phất cờ-Cây Cầy gióng trống. Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo, từ năm 1991 đến nay, thị xã đã đầu tư hơn 67 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo các cụm di tích. Trong đó, nguồn kinh phí của Trung ương khoảng 7,7 tỷ đồng; kinh phí của tỉnh hơn 35,5 tỷ đồng và nguồn từ ngân sách thị xã khoảng 23,8 tỷ đồng.
Theo đó, thị xã đã tiến hành làm bia, cải tạo di tích An Khê trường, làm tượng Quang Trung, xây nhà truyền thống, lát nền khu vực hồ nước; xây mới Nhà trưng bày Tây Sơn Thượng đạo, làm bia, tu bổ các thiết chế trong cụm di tích và bổ sung các vật dụng thờ cúng... Đặc biệt, từ năm 2017 đến 2021, thị xã đã huy động nguồn lực trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích Tây Sơn Thượng đạo. Cụ thể, thị xã đã tiến hành xây dựng hàng rào bao quanh di tích và các hạng mục, gồm: cổng và lối vào khu di tích, Quảng trường trung tâm, cải tạo ao súng trước An Khê trường; xây dựng mới hồ sen, Điện thờ Tam kiệt, đồi Mai Tam kiệt và trùng tu di tích An Khê đình. Cùng với đó, từ năm 2018 đến nay, thị xã đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để làm đường vào Khu di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá (xã Xuân An) và các hạng mục khác.
Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt được đầu tư xây mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc thờ phụng, tưởng nhớ công ơn các tướng sĩ nhà Tây Sơn. Ảnh: Ngọc Minh |
Chứng kiến sự đổi thay của quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, ông Trần Ngọc Hỷ-thành viên Ban nghi lễ An Khê đình phấn khởi cho biết: “Nhờ được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo được đầu tư trùng tu, bảo tồn ngày càng khang trang, bề thế hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng cùng địa phương bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông để lại”.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ-Chủ tịch UBND thị xã An Khê:“Mới đây, UBND thị xã đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể. Trong đó, chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án du lịch có tiềm năng trên địa bàn và phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch”. |
Còn ông Diệp Bảo Quang (tổ 7, phường Tây Sơn) thì vui mừng nói: “Nhà tôi ở sát khu di tích. Mấy năm nay, Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng bên trong và xung quanh khu di tích khang trang, tạo cảnh quan, không gian xanh-sạch-đẹp. Nhờ đó, hàng năm, khu di tích thu hút khá đông khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu”.
Theo ông Nguyễn Hùng Vỹ-Chủ tịch UBND thị xã An Khê, những năm gần đây, các tuyến đường trong và ngoài khu di tích đã được nâng cấp và mở rộng, thuận tiện cho các phương tiện giao thông đậu đỗ khi đến tham quan; hệ thống điện chiếu sáng đã phủ khắp phục vụ tốt cho công tác đảm bảo an ninh và tổ chức các hoạt động lễ hội như: hội Cầu Huê, lễ kỷ niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung, cúng Quý Xuân... Đây cũng là cách ứng xử đúng mực và sự trân trọng của hậu thế đối với di sản văn hóa này. “Việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng quần thể di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di tích. Từ đó, xây dựng sản phẩm đặc thù du lịch văn hóa-tâm linh, đẩy mạnh các hoạt động du lịch, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội của thị xã An Khê nói riêng và tỉnh nhà nói chung”-Chủ tịch UBND thị xã An Khê khẳng định.
Cổng vào Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Ngọc Minh |
Chú trọng lập hồ sơ khoa học các di tích lịch sử
Bên cạnh việc đầu tư trùng tu, tôn tạo khu di tích, những năm qua, thị xã An Khê đã tích cực thống kê, lập hồ sơ khoa học các di tích lịch sử trên địa bàn để đề nghị xếp hạng. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã cho biết: Đến nay, thị xã đã lập danh sách 32 di tích đình, miếu, dinh, nhà cổ và xây dựng lộ trình hoàn thành hồ sơ khoa học để đề nghị tỉnh xếp hạng di tích. Năm 2020, UBND tỉnh đã xếp hạng miếu Thanh Minh (phường An Phú), cụm đình miếu Tân Lai-Tân Chánh và đình Tân An (phường An Bình) là di tích cấp tỉnh. Trong năm 2021, thị xã dự kiến hoàn thành hồ sơ 9 di tích, năm 2022 là 4 di tích, năm 2023 thêm 5 di tích. Các di tích còn lại sẽ được thị xã hoàn thiện trong năm 2024 và 2025.
Song song với việc củng cố hồ sơ khoa học đề nghị tỉnh xếp hạng với những di tích theo kế hoạch, thị xã đã mời một số nhà khoa học thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ xây dựng Đề án lập hồ sơ di tích cấp tỉnh đối với quần thể di tích lịch sử-văn hóa “Ấp Tây Sơn Nhì-Cửu An” tại xã Cửu An, gồm: đình Cửu An, miếu An Điền (tức dinh Bà, miếu An Điền Bắc), miếu An Bình, An Thạch, An Phước, An Điền Nam, cụm di tích Kho lương thực (Mễ Kho) và cụm di tích Khu sản xuất (Gò Gieo, Gò Cà, Gò Dưa, Gò Đám). Ông Trần Đình Luân-cán bộ Nhà trưng bày Tây Sơn Thượng đạo-thông tin: “Đến nay, hồ sơ khoa học cơ bản đã xong, chỉ còn thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của đình Cửu An, miếu An Điền. Khi hồ sơ hoàn chỉnh, thị xã sẽ trình UBND tỉnh đề nghị xếp hạng di tích”.
Ông Lưu Trung Dũng-Chủ tịch UBND phường An Bình-cho hay: Qua rà soát, trên địa bàn phường có 6 đình, miếu. Trong đó có 4 đình, miếu đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện còn đình An Cư, An Dân đang hoàn thiện hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bổ sung vào hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích. Mới đây, UBND thị xã đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh cho sửa chữa, trùng tu miếu Tân Lai với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.
Thị xã An Khê chuẩn bị trùng tu, sửa chữa cụm đình miếu Tân Lai (phường An Bình). Ảnh: Quang Tấn |
Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê, việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác quản lý nhà nước.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND thị xã An Khê nhấn mạnh: Để tiếp tục phát huy giá trị lịch sử-văn hóa của vùng đất, thị xã sẽ tập trung nâng tầm tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn gắn với di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo theo định kỳ như: lễ dâng hương kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, lễ kỷ niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung, lễ cúng Khai Sơn, lễ cúng Quý Xuân; khôi phục các lễ hội truyền thống như: hội Cầu Huê, lễ cúng Quý Thu... Cùng với đó, thị xã tiến hành phục chế, sưu tầm các sắc phong, hoành phi, câu đối, liễn thờ tại các đình, miếu, vạn; sưu tầm, phục hồi nhạc võ Tây Sơn, truyền thuyết, giai thoại của đồng bào Kinh-Thượng gắn với phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Đồng thời, phục dựng lễ chiêu binh, dựng cờ khởi nghĩa và lễ xuất binh tiến xuống đồng bằng của 3 anh em nhà Tây Sơn. Tiếp tục bảo tồn các cụm di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo; các thiết chế tín ngưỡng như đình, vạn, miếu; phục hồi kiến trúc, lễ hội cồng chiêng, sử thi, dân ca, trang phục, làng nghề truyền thống đặc trưng như đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng... của dân tộc Bahnar.
QUANG TẤN - NGỌC MINH