(GLO)- Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát Hình sự (CSHS) đã lập được nhiều thành tích vẻ vang, là lực lượng nòng cốt, chủ lực, trực tiếp đấu tranh phòng-chống các loại tội phạm về hình sự, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Khi mới thành lập, Công an các địa phương đã hình thành các “Đội trinh sát địa bàn”, Đội Hình cảnh trong các ban gọi là “Ban Trị an hành chính”, “Ban Trị an dân cảnh”... làm nhiệm vụ điều tra, xử lý, trấn áp bọn trộm, cướp, lừa đảo, giết người và bọn lưu manh chuyên nghiệp để bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân, giữ gìn trật tự trị an.
Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành trao Huân chương Chiến công hạng nhì cho Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh. Ảnh: L.A |
Ngày 16-2-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL đổi Nha Công an Việt Nam thành Thứ bộ Công an. Tổ chức bộ máy của Thứ bộ Công an gồm có các vụ, cục, phòng,… Ngày 28-7-1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 982/TTg thành lập Cục Cảnh sát nhân dân. Cục Cảnh sát nhân dân có nhiệm vụ thống nhất việc xây dựng, quản lý, huấn luyện, giáo dục Cảnh sát nhân dân trong toàn quốc về nhiệm vụ, chính trị, quân sự, văn hóa.
Cảnh sát nhân dân là lực lượng vũ trang và nửa vũ trang thuộc biên chế trong ngành Công an. Cục Cảnh sát nhân dân gồm có: Ban Cảnh sát Hành chính (hộ tịch, giao thông, cứu hỏa và hình cảnh), Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát Vũ trang, Cảnh sát Trại giam. Từ đây ở miền Bắc, trong một số Công an địa phương cũng thành lập các “Đội Hình cảnh”. Đây là những tổ chức CSHS chính quy chuyên trách đầu tiên của Công an nhân dân (CAND). Trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội trong thời kỳ mới, năm 1963, Phòng Hình cảnh được thành lập thuộc Cục Cảnh sát nhân dân, có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo đấu tranh trấn áp các tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm giả mạo, lừa đảo, tội phạm tham ô, các đối tượng lưu manh chuyên nghiệp và các tệ nạn xã hội (cờ bạc, mại dâm, ma túy, đồng bóng bói toán, mê tín dị đoan), giữ gìn trật tự xã hội (TTXH).
Ngày 22-2-1973, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 32/CP về sửa đổi tổ chức bộ máy Công an, Cục CSHS được thành lập. Đây là mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh về tổ chức của lực lượng CSHS.
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các Phòng CSHS lần lượt được thành lập ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Lực lượng CSHS trở thành một lực lượng xung kích, chủ lực trong công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm xâm phạm TTXH; phòng-chống các tệ nạn xã hội. Mỗi năm lực lượng CSHS trong cả nước đã điều tra hàng chục ngàn vụ phạm tội các loại, triệt phá hàng ngàn băng nhóm tội phạm, bắt giữ xử lý hàng chục ngàn tên tội phạm các loại, hàng trăm vụ án đặc biệt nghiêm trọng như: Giết người cướp của đã được điều tra, triệt phá hàng chục băng cướp có vũ khí nguy hiểm…, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân. Lực lượng CSHS toàn quốc đã được Đảng, Nhà nước, ngành đánh giá cao; có 29 đơn vị Phòng CSHS được phong tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; một số đơn vị được tuyên dương “Đơn vị Anh hùng” lần thứ hai; 7 đồng chí cán bộ CSHS được phong danh hiệu “Anh hùng”; 8 liệt sĩ CSHS được truy tặng danh hiệu “Anh hùng”; hàng chục ngàn lượt cán bộ chiến sĩ CSHS được tặng thưởng huân-huy chương và bằng khen các loại; hàng trăm cán bộ CSHS từ trong chiến đấu, công tác đã trưởng thành và được giao giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong ngành Công an.
Ngày 15-4, Công an tỉnh Gia Lai tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Hình sự (18-4-1946-18-4-2016) và đón nhận Huân chương Chiến công hạng nhì. Tại buổi lễ, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã trao Huân chương Chiến công hạng nhì cho Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh vì đã có những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác. Lê Anh |
Từ năm 1975 đến nay, tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn diễn biến phức tạp; tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm hình sự ngày càng gia tăng; thủ đoạn thực hiện phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt; xuất hiện nhiều đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, lưu động. Trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng lực lượng CSHS Công an tỉnh Gia Lai đã quyết tâm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, đã điều tra khám phá 25.796 vụ, trong đó có hơn 1.200 vụ trọng án, vô hiệu hóa 250 băng nhóm hình sự (2.000 đối tượng) và bắt trên 40.000 đối tượng hình sự các loại. Để phòng-chống có hiệu quả hơn với các loại tội phạm, năm 1976 Phòng CSHS (Cảnh sát 2) trực thuộc Ty Công an Gia Lai-Kon Tum được thành lập. Biên chế ban đầu của đơn vị còn ít, thực hiện đồng thời 2 chức năng là phòng ngừa và điều tra, xử lý tội phạm.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, hoạt động của lực lượng CSHS đều có những khó khăn, thử thách riêng, nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì các thế hệ lực lượng CSHS vẫn luôn thể hiện lòng dũng cảm, quyết tâm vượt qua khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và ngành Công an giao, xứng đáng là quả đấm thép của lực lượng CAND trên lĩnh vực đấu tranh phòng-chống tội phạm. Với những nỗ lực cố gắng trong công tác đấu tranh phòng-chống các loại tội phạm, lực lượng CSHS Gia Lai đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương chiến công hạng nhì, 3 Huân chương Chiến công hạng ba, 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 5 lần được Bộ Công an tặng cờ thi đua dẫn đầu cấp cơ sở, 1 lần Bộ Công an tặng cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy 5 năm liền (2008-2013)” và trên 1.000 lượt tập thể và cá nhân công tác trong lực lượng CSHS toàn tỉnh được các cấp tặng bằng khen, giấy khen.
Bước sang giai đoạn đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lực lượng CSHS phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là mặt tiêu cực của cơ chế thị trường. Đó là sự gia tăng hoạt động của nhiều loại tội phạm, tính chất, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn, xuất hiện các loại tội phạm mới, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, đòi hỏi toàn lực lượng CSHS cần phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang của CAND nói chung, của lực lượng CSHS nói riêng, nỗ lực phấn đấu không ngừng trong công tác và chiến đấu. Mỗi cán bộ, chiến sĩ CSHS phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần khắc phục khó khăn, giữ vững phẩm chất, đạo đức của người CAND; tiếp tục học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện có hiệu quả phong trào “CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân. Tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong và ngoài ngành Công an, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng-chống tội phạm, giữ vững TTXH.
Nối tiếp truyền thống, tin tưởng rằng lực lượng CSHS Gia Lai nhất định sẽ giành nhiều chiến công xuất sắc hơn nữa.
Đại tá Phan Lang-Phó Giám đốc Công an tỉnh