Chính trị

Tin tức

Phát huy truyền thống anh hùng xây dựng Gia Lai phát triển toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Hôm nay, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Gia Lai hân hoan chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24-5-1932–24-5-2012). Tại lễ mít tinh kỷ niệm này, đồng chí Phạm Thế Dũng-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng. Gia Lai online trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng

Từ những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XIX, các giáo sĩ người Pháp đã thâm nhập khu vực cư trú của người Bahnar thuộc xã Hà Tây-huyện Chư Pah và xã Hà Đông-huyện Đak Đoa ngày nay để truyền đạo. Theo chân các giáo sĩ, thực dân Pháp ngày càng tiến sâu vào Bắc Tây Nguyên tạo nên những xáo trộn mới bằng những chính sách chia để trị, dựa vào nhóm này để chống nhóm khác, chia rẽ Kinh-Thượng, chia rẽ các dân tộc trong tỉnh, trong khu vực với nhau.

Từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã từng bước thiết lập bộ máy cai trị trên đất Gia Lai. Ngày 24-5-1932, tỉnh Pleiku được thành lập theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương. Tháng 6-1946, thực dân Pháp chiếm lại vùng đất Gia Lai và đặt tên tỉnh là Pleiku. Từ năm 1954 cho đến trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền Sài Gòn vẫn gọi tên tỉnh là Pleiku. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền Cách mạng gọi là Gia Lai cho đến năm 1975.

Ngày 20-9-1975, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Ngày 12-8-1991, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (khóa VIII), Gia Lai-Kon Tum tách thành hai tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Hiện nay, tỉnh Gia Lai có 17 đơn vị hành chính, gồm: 1 thành phố, 2 thị xã, 14 huyện; có 222 xã, phường, thị trấn, với diện tích 15.536,9 km2, dân số trên 1,3 triệu người, gồm 34 dân tộc anh em.

 

Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã lãnh đạo phong trào cách mạng với đỉnh cao là Cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh (1930-1931). Ở  Gia  Lai, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những năm 1930, 1940, những đảng viên, chiến sĩ cách mạng từ các tỉnh đồng bằng lên hoạt động tại Gia Lai đã xây dựng, phát triển phong trào cách mạng trong các đồn điền và một số địa phương. Từ tháng 4 đến tháng 6-1945, tổ chức Đoàn Thanh niên Gia Lai được thành lập với nhiều hoạt động tiến bộ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, là lực lượng nòng cốt lãnh đạo nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tháng 8-1945 ở An Khê, thị xã Pleiku, Cheo Reo và các vùng trong tỉnh.

Cùng với khí thế sục sôi của cả dân tộc trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sáng 23-8-1945, hàng ngàn quần chúng thị xã Pleiku và các vùng xung quanh được trang bị gậy gộc, giáo mác… đội ngũ chỉnh tề, giương cao cờ đỏ sao vàng tiến về Tòa Công sứ, biểu dương lực lượng qua các phố chính trong thị xã. Đến 10 giờ sáng, một cuộc mít tinh lớn của gần 10 ngàn quần chúng được tổ chức tại sân vận động tỉnh lỵ Pleiku. Lần đầu tiên trong lịch sử, cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc được giương cao, tung bay trong niềm hân hoan chào đón của mọi người, báo hiệu Gia Lai đã cùng cả nước giành chính quyền về tay nhân dân, hệ thống chính quyền cai trị của thực dân và phong kiến bị xóa bỏ, bộ máy chính quyền cách mạng được thiết lập trong toàn tỉnh.

 

Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác
Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác

Thắng lợi to lớn của cuộc khởi nghĩa tháng Tám ở Gia Lai đã thể hiện truyền thống yêu nước, yêu độc lập tự do của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, mở ra khả năng cho việc tập hợp đông đảo lực lượng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân thành lực lượng cách mạng có tổ chức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Đây là tiền đề trực tiếp cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Gia Lai sau này.

Ngày 1-10-1945, chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Gia Lai được thành lập tại Trường Tiểu học Việt-Pháp thị xã Pleiku, đây cũng là Ban vận động thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai. Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên và việc thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai vào ngày 10-12-1945 là bước ngoặt đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lịch sử phong trào cách mạng địa phương. Từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng ở tỉnh đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân ta mong được sống trong hòa bình để kiến thiết đất nước. Song bọn thực dân, đế quốc lại dã tâm xâm lược nước ta lần nữa. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, đồng bào các dân tộc Gia Lai dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đem hết sức người, sức của để cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong 9 năm kháng chiến, nhân dân các dân tộc Gia Lai đã hưởng ứng tích cực các phong trào do Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh phát động như: Tiêu thổ kháng chiến, quyên góp của cải để xây dựng quỹ độc lập, quỹ kháng chiến, quỹ cứu trợ trong các đợt phát động “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”; tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ Việt Minh… Trong kháng chiến, quân và dân Gia Lai đã lập nên những làng chiến đấu, những căn cứ du kích bất khả xâm phạm như: Sitơr, Soáp Dùi, xã Gào... giành những chiến công vang dội, tiêu biểu như chiến thắng Đak Pơ, trận đánh Cầu Suối Vối, Cầu Rộc Dứa,... Với những chiến thắng trên, đã góp phần to lớn cùng quân và dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, đất nước tạm chia thành hai miền Nam-Bắc và sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất nước nhà sau 2 năm.

 

Vào mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: Đức Thụy
Vào mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: Đức Thụy

Nhưng với dã tâm và bản chất thâm độc, đế quốc Mỹ đã hất cẳng thực dân Pháp, ngang nhiên xâm lược Việt Nam, chúng cùng bè lũ tay sai ở miền Nam phá hoại Hiệp định Giơnevơ, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới để chống phá miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa. Một lần nữa, kẻ thù buộc nhân dân ta phải cầm vũ khí để bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được, thực hiện chân lý thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Sau 21 năm chiến đấu liên tục, cùng với toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước, với ý chí sắt đá: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và các phong trào “Tòng quân giết giặc”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; “Góp lương nuôi bộ đội”, “Đánh địch bằng hầm chông bẫy đá”..., dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc thân yêu. Những địa danh, tên núi, tên sông, tên đất, tên làng, tên người cùng với những trận đánh, những chiến công vang dội đã mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc như những huyền thoại, còn mãi mãi chói sáng, lưu truyền trong sử sách Việt Nam như Anh hùng Núp, Anh hùng Wừu, Anh hùng Kpă Klơng,... là chiến thắng Plei Me, chiến thắng Cheo Reo, Phú Bổn; cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968; chiến dịch Xuân Hè 1972,… góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968) và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1975) của đế quốc Mỹ. Với Chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã góp phần giải phóng tỉnh Gia Lai vào ngày 17-3-1975 và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc vào ngày 30-4-1975.

Có thể khẳng định rằng, những chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là bản anh hùng ca tuyệt vời về lòng yêu nước, đức hy sinh, tinh thần quả cảm, ý chí cách mạng của quân và dân các dân tộc tỉnh nhà. Trong suốt chiều dài của cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn đoàn kết, kiên cường, bất khuất trước quân thù; thủy chung, son sắt đối với cách mạng, một lòng kính yêu Bác Hồ, tin yêu Đảng, vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thu giang sơn về một mối.

Sau ngày giải phóng, đất nước được thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đồng sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ hy sinh, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, ổn định đời sống nhân dân, trấn áp kịp thời bọn phản động Fulro và các tổ chức, đảng phái phản động khác, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội, tham gia làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả và tạo tiền đề về kinh tế-xã hội của tỉnh cho bước phát triển tiếp theo.

Trong hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vừa làm, vừa học, vận dụng sáng tạo đường lối, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển và đã đạt được những thành tựu to lớn. Nếu như năm 1975, khắp tỉnh chỉ là ngổn ngang của bãi chiến trường đầy rẫy bom đạn, nhân dân thì đói nghèo, lạc hậu. Đến nay, đã chấm dứt hoàn toàn nạn đói kinh niên đã đeo bám hàng ngàn đời đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nền kinh tế của tỉnh đạt được mức tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 2001-2005 đạt 11,3%; 2006-2010 đạt 13,6%/năm, năm 2011 đạt 13,14%. Tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng, năm 2001 đạt 256 tỷ đồng, đến năm 2011 đạt 3.356 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phát triển toàn diện nông-lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đã hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp và cây công nghiệp; xây dựng được hàng trăm công trình thủy lợi, thủy điện và các khu, cụm công nghiệp. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng cao hàng năm; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc.

Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm và triển khai có hiệu quả. Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai quyết liệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 2011 giảm còn 24,75% (theo tiêu chí mới). Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, GDP bình quân đầu người năm 201l đạt 19,5 triệu đồng, gấp 6,5 lần so với năm 2000. Giáo dục đào tạo có chuyển biến cả về quy mô và chất lượng; hệ thống trường học đã được phủ kín tới từng làng, con em đồng bào dân tộc thiểu số được tạo mọi điều kiện thuận lợi để đến trường; 100% số xã và huyện, thị xã, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; Phân hiệu Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh tại Gia Lai đã hoạt động ổn định, tạo tiền đề để hình thành Trường Đại học tại tỉnh trong thời gian tới.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh, cơ sở vật chất của ngành y tế được đầu tư nâng cấp từ tuyến tỉnh tới cơ sở; tỉnh đã triển khai có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm; đồng bào dân tộc thiểu số được khám-chữa bệnh miễn phí, được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông có nhiều tiến bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Một số công trình văn hóa, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học,... được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Mạng lưới hoạt động và chất lượng các dịch vụ thương mại, du lịch, ngân hàng, vận tải, viễn thông ngày càng phát triển phong phú.

Công tác xã hội hóa trên lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, vận tải đạt được những kết quả đáng khích lệ. Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Trung tâm đào tạo Bóng đá Hoàng Anh-Asernal, Trường Phổ thông Nguyễn Văn Linh, Bến xe Đức Long Gia Lai, Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai... là các mô hình xã hội hóa đã phát huy được hiệu quả, được các ngành Trung ương hoan nghênh và các tỉnh bạn quan tâm tìm hiểu. Công tác nghiên cứu, bảo tồn, bảo tàng các di sản văn hóa các dân tộc được quan tâm, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sự thành công của Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc thiểu số Tây Nguyên năm 2006, Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009, các giải bóng chuyền, bóng đá quốc gia, quốc tế tổ chức tại tỉnh… đã khẳng định khả năng đăng cai và tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế của tỉnh Gia Lai.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới và các cuộc vận động được triển khai có hiệu quả; các hoạt động an sinh xã hội đã trở thành phong trào rộng khắp được nhân dân và các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm ủng hộ. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách, người có công; công tác thương binh, gia đình liệt sĩ được triển khai thường xuyên, với tinh thần trách nhiệm cao; chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo được thực hiện khá tốt, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh.

Công tác quốc phòng-an ninh được đẩy mạnh, quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân”, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, từng bước chính quy, hiện đại, đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, “bạo loạn, lật đổ” và các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, Gia Lai thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ và thực hiện tốt đoàn kết trong Đảng, chú trọng rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng. Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt được những kết quả bước đầu và đang có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đã tập trung hướng về cơ sở, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, nhân dân ngày càng tin vào Đảng, Nhà nước và tin vào tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”, Gia Lai đã tập trung chỉ đạo công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trẻ; tạo điều kiện để thanh niên cống hiến, trưởng thành, phát huy vai trò xung kích trên mọi mặt của đời sống xã hội, xứng đáng là thế hệ trẻ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, phát huy truyền thống Tây Nguyên bất khuất, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trên lĩnh vực đối ngoại, Gia Lai đã chủ động tiến hành các hoạt động đối ngoại với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Công tác đối ngoại nhân dân được đẩy mạnh thông qua các hoạt động kết nghĩa, giao lưu văn hóa giữa Mặt trận và các tổ chức đoàn thể của tỉnh ta với các tỉnh của nước bạn Campuchia và nước bạn Lào. Công tác thông tin đối ngoại được triển khai dưới nhiều hình thức, thông qua nhiều kênh và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, xúc tiến kêu gọi đầu tư có hiệu quả. Đã thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trên nhiều lĩnh vực giữa Gia Lai với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác trong khu vực; giữa Gia Lai với tỉnh Rattanakiri (Campuchia) và tỉnh Attapeu (Lào) trong khu Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Qua 80 năm đấu tranh, xây dựng, trưởng thành, ghi nhận những thành tích và đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai, Đảng, Nhà nước ta đã tặng thưởng cho Gia Lai nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Sao vàng; 4 Huân chương Hồ Chí Minh; 181 Huân chương Độc lập các hạng; 422 Huân chương Lao động các hạng; 57 tập thể, 16 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 89 mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng; 17 tập thể được tặng thưởng Huân chương Thành Đồng; trên 20 ngàn cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quyết thắng, Huân chương Giải phóng, Huân chương Chiến công; gần 500 cá nhân được tặng thưởng Huân-Huy chương Kháng chiến chống Pháp. Trên 57 ngàn cá nhân được tặng thưởng Huân-Huy chương Kháng chiến chống Mỹ. 123 tập thể, 250 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng. Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập tỉnh, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất cho nhân dân và cán bộ tỉnh Gia Lai vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Từ những thành tựu trên, chúng ta có quyền khẳng định rằng: Những gì chúng ta đã làm được từ sau ngày giải phóng đến nay là cả một thành quả rất to lớn mà cả hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, hàng trăm năm qua các chế độ thực dân, đế quốc không làm được. Thành tựu này thể hiện rõ truyền thống, sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh cùng nhau chung tay xây dựng quê hương Gia Lai đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững và ngày càng giàu đẹp. Điều đó khẳng định chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân; chỉ có tinh thần đoàn kết và đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh đã chung vai, sát cánh, cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức mới đạt được những thành công này.

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường 80 năm qua, cùng với niềm vui về những thành tựu đã đạt được, chúng ta còn trăn trở vì những hạn chế, thiếu sót như: Tăng trưởng và chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế chưa cao, năng lực cạnh tranh còn thấp; cơ sở hạ tầng còn yếu kém; Gia Lai vẫn là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; một số mặt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường còn hạn chế, có nhiều bức xúc chưa được khắc phục; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng chưa đồng đều; tình trạng giảm sút ý chí chiến đấu, suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên rất đáng lo ngại; cải cách hành chính, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mặt khác, những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới, khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh và sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là của bọn phản động FULRO lưu vong ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân. Đó là thách thức lớn đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta phải ra sức phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách để tiến lên.

Phát huy truyền thống 80 năm qua và những thắng lợi đã đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Gia Lai nguyện đoàn kết, thống nhất, chung tay, chung sức, quyết tâm thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh nhà tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh; tập trung đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng với thái độ kiên quyết, bằng các giải pháp đồng bộ: Chính trị, tư tưởng, hành chính, kinh tế, pháp luật, cơ chế, chính sách. Cán bộ các cấp của Đảng bộ, HĐND, UBND, tổ chức Mặt trận, đoàn thể các cấp, các ngành, nhất là cán bộ chủ chốt phải là những người gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Hai là: Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao, hiệu quả và bền vững; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng sự nghiệp giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao; giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của xã hội như: Việc làm, xóa đói giảm nghèo, tranh chấp, khiếu kiện, đảm bảo an sinh xã hội; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với gia đình chính sách, người có công, đối tượng xã hội.

Ba  là, tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Hoàn thành việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên để giáo dục đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, thông qua tấm gương đạo đức của Bác nhằm khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, xây dựng con người Gia Lai sống có lý tưởng, có bản lĩnh chính trị, năng lực, trí tuệ, có khả năng tiếp cận nền kinh tế tri thức, có trình độ văn hóa ngày càng cao.

Bốn là, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Coi việc xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Qua đó tạo được sự đồng thuận, huy động sức mạnh nội lực của toàn dân và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Năm là, không ngừng tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của tỉnh cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tăng cường sức mạnh tổng hợp để đánh bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với âm mưu chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai tự trị, kích động biểu tình bạo loạn, lôi kéo vượt biên trái phép… nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Sáu là, thực hiện tốt công tác đối ngoại, nhất là các hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác thông tin đối ngoại. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác phát triển với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành trong cả nước, với tỉnh Rattanakiri (Campuchia), tỉnh Attapeu (Lào), phấn đấu đưa Gia Lai thành trung tâm của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, nhằm thu hút các tiềm lực để phát triển tỉnh nhà.

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh ta ôn lại truyền thống hào hùng của tỉnh nhà trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Càng tự hào về đất nước, về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại; tự hào về tỉnh Gia Lai anh hùng, tự hào về Đảng bộ tỉnh luôn trung thành vô hạn với Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vững vàng trước mọi thách thức, sáng suốt trong vai trò lãnh đạo của mình; tự hào về nhân dân các dân tộc tỉnh nhà anh hùng, bất khuất trong chiến đấu, cần cù và sáng tạo trong xây dựng, một lòng, một dạ đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, chúng ta càng ý thức cao hơn về trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Với những thành tựu đã đạt được trong suốt 80 năm qua, với truyền thống đầy tự hào và những kinh nghiệm mà chúng ta tích lũy được trong suốt quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh của đại đoàn kết các dân tộc, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng: Tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong thời gian tới.

Nhân dịp này, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống hào hùng trong 80 năm qua, hãy đoàn kết, sáng tạo, phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực, chủ động khắc phục khó khăn, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác của năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011-2015.
—————
(*) Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.

Có thể bạn quan tâm