Chính trị

Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng xã Đất Bằng ngày càng phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai tại buổi làm việc ngày 27-3 với hệ thống chính trị xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) về tình hình triển khai nhiệm vụ trọng tâm từ đầu nhiệm kỳ đến nay và định hướng trong thời gian tới.

Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Thái Thanh Bình-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng lãnh đạo huyện Krông Pa.

Đời sống người dân còn nhiều khó khăn

Trước khi làm việc với hệ thống chính trị xã Đất Bằng, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên và đoàn công tác đã đến thăm, nắm tình hình phát triển kinh tế-xã hội của buôn Ma Giai. Theo ông La O Á-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ma Giai, buôn có 182 hộ với 742 khẩu. Năm 2007, buôn được tách từ tỉnh Phú Yên để sáp nhập vào xã Đất Bằng. Đến nay, cuộc sống của người dân đã dần ổn định; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Dù vậy, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 69%. Nguyên nhân chủ yếu là do đất sản xuất ít, địa hình đồi dốc, tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra nên năng suất cây trồng đạt thấp.

“Đề nghị tỉnh, huyện quan tâm tạo điều kiện sớm triển khai Dự án khu tái định cư buôn Ma Giai nhằm giúp 62 hộ dân có điều kiện ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, buôn có 2 hộ khó khăn về nhà ở, hoàn cảnh khó khăn cần được quan tâm hỗ trợ”-ông La O Á kiến nghị.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (thứ 2 từ trái qua) làm việc với hệ thống chính trị buôn Ama Giai. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (thứ 2 từ trái qua) làm việc với hệ thống chính trị buôn Ama Giai. Ảnh: Đức Thụy

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị hệ thống chính trị buôn Ma Giai phải có quyết tâm chính trị cao trong tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phát triển kinh tế-xã hội; mỗi gia đình, mỗi cá nhân phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Đặc biệt, buôn cần triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” và Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Huyện, xã và các ngành của huyện cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với xã căn cứ địa cách mạng Đất Bằng nói chung và buôn Ma Giai nói riêng. Trong đó, quan tâm lồng ghép triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đối với buôn đặc biệt này, từng bước giúp người dân buôn Ma Giai thoát nghèo bền vững, nâng cao thu nhập”.

Tiếp đó, đoàn công tác đã đến thăm Di tích lịch sử cấp tỉnh nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Krông Pa và làm việc với hệ thống chính trị xã Đất Bằng. Báo cáo với đoàn công tác, Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Thanh Khiết cho biết: Đất Bằng là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Pa, cách trung tâm huyện 16 km. Toàn xã có 1.232 hộ với 4.952 khẩu, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 87% dân số. Xã có trên 12,5 ngàn ha đất tự nhiên, trong đó có hơn 8,4 ngàn ha đất lâm nghiệp, hơn 38,7 ha đất ở và gần 3,2 ngàn ha đất sản xuất. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế-xã hội của xã từng bước phát triển, đời sống người dân được nâng lên; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (hàng đầu, bên phải) cùng đoàn công tác thăm Di tích lịch sử cấp tỉnh nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Krông Pa. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (hàng đầu, bên phải) cùng đoàn công tác thăm Di tích lịch sử cấp tỉnh nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Krông Pa. Ảnh: Đức Thụy

Tuy nhiên, đời sống của người dân trong xã vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm khoảng 40%, trong đó, 100% hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Đất Bằng là xã thuần nông nhưng sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế nên năng suất, hiệu quả đạt thấp. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới dù được quan tâm thực hiện nhưng xã chỉ mới đạt 10/19 tiêu chí. Công tác phát triển đảng viên có năm chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Bí thư Đảng ủy xã Đất Bằng cho hay: “Thời gian tới, xã tiếp tục chú trọng tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở rộng vùng sản xuất cũng như chủ động phòng trừ các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, tập trung huy động, lồng ghép nguồn lực thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất đai, tài nguyên khoáng sản; tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên”.

Tập trung nguồn lực hỗ trợ xã Đất Bằng

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Tô Văn Chánh đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ khảo sát, đánh giá phân vùng theo lập địa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng để tạo điều kiện giúp huyện phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trong việc định hướng, kêu gọi đầu tư, xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng gắn với chuỗi giá trị, từng bước nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đồng thời, tỉnh, các sở, ngành quan tâm, hỗ trợ địa phương đưa các giống cây trồng mới, kháng sâu bệnh vào sản xuất để nâng cao năng suất, hiệu quả.

Để giải quyết tình trạng các loại cây trồng chủ lực của huyện như mía, mì bị thoái hóa, nhiễm bệnh như hiện nay, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết: Sắp tới, Sở sẽ làm việc với các doanh nghiệp nhằm xã hội hóa công tác sản xuất giống cung ứng cho người dân. Đồng thời, định hướng giúp huyện hình thành các vùng chuyên canh cây trồng cũng như các vùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Quang cảnh buổi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên với hệ thống chính trị xã Đất Bằng. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh buổi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên với hệ thống chính trị xã Đất Bằng. Ảnh: Đức Thụy

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị xã Đất Bằng thời gian qua. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của địa phương đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là hệ thống đường giao thông được đầu tư tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy, Đất Bằng là xã căn cứ cách mạng nhưng cũng là xã đặc biệt khó khăn, có xuất phát điểm thấp, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng gặp nhiều bất lợi trong phát triển sản xuất.

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị: Thời gian tới, hệ thống chính trị xã cần phát huy truyền thống cách mạng để xây dựng Đất Bằng ngày càng phát triển; phải quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững. Các sở, ngành cần quan tâm hỗ trợ, định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại giống mới vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập. Đồng thời, chú trọng nâng cao giá trị chăn nuôi, trong đó cần nâng cao chất lượng lai cải tạo đàn bò của địa phương; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện tốt công tác trồng rừng.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 5 từ phải sang) tặng 20 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. Ảnh: Đức Thụy

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 5 từ phải sang) tặng 20 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. Ảnh: Đức Thụy

Trong chuyến làm việc tại huyện Krông Pa, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cùng đoàn công tác đã kiểm tra thực tế công trình thủy lợi Ia Mlah (xã Ia Mlah). Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, năng lực tưới của công trình hiện nay chưa đạt như kỳ vọng, mới chỉ đạt 2.700/5.200 ha tổng năng lực tưới. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT, huyện Krông Pa cần tính toán đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương phụ để phát huy hiệu quả vùng tưới. Qua đây, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương rút kinh nghiệm khi triển khai đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi trên địa bàn phải tính toán, xây dựng đồng bộ hệ thống kênh phụ nhằm phát huy hiệu quả, tránh gây lãng phí nguồn lực, mà trước mắt là công trình thủy lợi Ia Thul, huyện Ia Pa.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Huyện, xã cần chú trọng phát huy hiệu quả nguồn lực 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để các chương trình này phát huy hiệu quả và người dân thực sự được hưởng lợi, hệ thống chính trị từ huyện đến xã cần chú trọng nâng cao trình độ dân trí; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; quan tâm đến công tác phát triển đảng viên. Hệ thống chính trị phải bám, nắm sát địa bàn, cơ sở cũng như phát huy tốt vai trò người có uy tín. Đồng thời, đoàn kết nội bộ, bám sát nghị quyết, quy chế làm việc, phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Đối với một số kiến nghị của xã, huyện, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên ghi nhận và chỉ đạo các sở, ngành liên quan làm việc với địa phương và có hướng giải quyết phù hợp theo đúng thẩm quyền.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện Krông Pa phát huy thế mạnh các cây trồng chủ lực như thuốc lá, mì, mía và chăn nuôi bò nhằm tăng giá trị ngành nông nghiệp. Tiếp tục giữ rừng tốt và trồng rừng đạt hiệu quả cao để người dân được hưởng lợi từ rừng. Đồng thời, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là hệ thống chính trị của xã. Chú ý đến việc giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ; tạo điều kiện cho người lao động được làm việc tại các tỉnh khác và kể cả xuất khẩu lao động.

Đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên dẫn đầu đi kiểm tra thực tế công trình thủy lợi Ia Mlah. Ảnh: Đức Thụy

Đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên dẫn đầu đi kiểm tra thực tế công trình thủy lợi Ia Mlah. Ảnh: Đức Thụy

Dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã tặng quà cho hệ thống chính trị xã Đất Bằng, buôn Ma Giai; tặng căn nhà tình thương trị giá 75 triệu đồng cho 1 hộ dân ở buôn Ma Giai và 20 chiếc xe đạp cho các em học sinh nghèo vượt khó của xã.

Có thể bạn quan tâm