Chính trị

Tin tức

Phát huy truyền thống, không ngừng nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Trong suốt chặng đường 70 năm qua, Đảng bộ tỉnh Gia Lai luôn quán triệt sâu sắc và ra sức phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác để xứng đáng “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh, công tác dân vận tập trung vận động nhân dân tham gia củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị kháng chiến. Thực dân Pháp tái chiếm Gia Lai, Mặt trận Việt Minh dưới tên gọi “Hội đánh Tây” đã phát huy vai trò và uy tín của mình, đoàn kết tập hợp các tầng lớp nhân dân Kinh-Thượng, lương-giáo, các nhân sĩ yêu nước tiến bộ vào một mặt trận thống nhất kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Các đội vũ trang đã khai phá mở đường, đi sâu vào lòng địch, liên lạc từng người dân, xây dựng từng cơ sở, tổ chức lực lượng chính trị vũ trang, phát triển chiến tranh du kích sâu rộng, xây dựng căn cứ cách mạng, liên tục mở các chiến dịch lớn nhỏ, tiêu hao sinh lực địch, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954.

 

Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết trao đổi với già làng, trưởng thôn tiêu biểu tại Gia Lai. Ảnh: T.N
Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết trao đổi với già làng, trưởng thôn tiêu biểu tại Gia Lai. Ảnh: T.N

Sau năm 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Gia Lai, các cán bộ cách mạng ở lại tiếp tục bám cơ sở, vận động quần chúng tiếp tục đấu tranh, giúp nhân dân giữ vững niềm tin vào Đảng, vào cách mạng. Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, tổ chức mặt trận các cấp trong tỉnh hình thành, tiếp tục động viên mọi tầng lớp nhân dân tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cả dân tộc trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước; kiên trì, bền bỉ đấu tranh chống lại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Những người chiến sĩ trên mặt trận dân vận, binh-địch vận cũng đã xây dựng được cơ sở đô thị, đồn điền, phát động được các cuộc đấu tranh chống Mỹ-Ngụy, đòi dân sinh, dân chủ, chống chính quyền tay sai ngay tại cơ quan đầu não của địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và ngọn cờ hiệu triệu của Mặt trận, cán bộ cách mạng đã tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết đấu tranh, từ tay không xây dựng lực lượng chính trị vũ trang, xây dựng căn cứ địa rộng lớn, góp phần đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giải phóng tỉnh nhà vào ngày 17-3-1975.

Để làm nên trang sử hào hùng ấy, trong từng hoàn cảnh cụ thể, Đảng bộ tỉnh đã phân tích thực tiễn một cách sâu sắc và kịp thời đưa ra các phương châm, tư tưởng chỉ đạo công tác vận động quần chúng rất sáng tạo như “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), “bốn bám” (cán bộ bám dân, dân bám đất, du kích bám địch, cấp trên bám cấp dưới), “bốn tận” (tận mắt thấy, tận tai nghe, tận miệng nói, tận tay làm). Do đó, nhiều phong trào, nhiều sự kiện tiêu biểu đã được các tầng lớp nhân dân tham gia rộng rãi. Các phong trào như: đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, chống tố cộng, chống lấn chiếm đất lập dinh điền, đến phong trào chống dồn dân lập ấp chiến lược... đã huy động hàng vạn lượt quần chúng tham gia.

Sau năm 1975, công tác dân vận đã động viên nhân dân tham gia khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, làm thất bại âm mưu phá hoại, chia rẽ của bọn phản động FULRO. Nhờ làm tốt công tác dân vận mà toàn dân đã hăng hái thực hiện các phong trào thi đua, tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân…”, “Tất cả vì hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”… đã góp phần nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh tàn phá, nhất là khó khăn về kinh tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội.

 

Ảnh: T.N
Ảnh: T.N

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, công tác dân vận đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nội dung và hình thức, hướng vào các phong trào hành động cách mạng thực hiện nhiệm vụ trung tâm của Đảng bộ là xây dựng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời thực hiện nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là giữ vững an ninh chính trị, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Đảng bộ tỉnh đưa ra chủ trương chỉ đạo công tác vận động quần chúng là lấy “địa bàn làng làm đơn vị bám dân”, với phương châm “Tỉnh nắm xã, huyện nắm làng, xã nắm hộ dân” để xây dựng cơ sở và lực lượng tiến hành truy quét FULRO.

Trong những năm gần đây, phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương phát động đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội các cấp hưởng ứng, thực hiện. Đến nay, đã xuất hiện hàng trăm mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cùng Đảng bộ tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh.

Phát huy truyền thống và thành tựu đã đạt được, trước những yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục đổi mới và tăng cường hơn bao giờ hết. Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết đại hội đảng các cấp, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong tình hình mới”, “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành. Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những nguyện vọng chính đáng của nhân dân; củng cố mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; coi trọng xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ ban dân vận, Mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp; kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, ban chỉ đạo công tác tôn giáo các cấp; đẩy mạnh các chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận. Phải xác định rõ công tác dân vận là trách hiệm của cả hệ thống chính trị, phải xem dân vận là một nghề, cán bộ phải lăn lộn, bám nắm cơ sở, tâm huyết với nghề...

Kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 – 15-10-2015), chúng ta phấn khởi, tin tưởng chắc chắn rằng, các cấp, các ngành, mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân sẽ phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tạo khí thế mới, quyết tâm mới, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, phấn đấu xây dựng Gia Lai phát triển nhanh và bền vững.

Hà Sơn Nhin
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

Có thể bạn quan tâm