Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Phát huy vai trò của người dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, thông qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội (CT-XH), người dân tỉnh Gia Lai đã có những đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Thông qua hoạt động giám sát và PBXH, MTTQ cùng các tổ chức CT-XH đã tập hợp nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp vào những vấn đề liên quan đến phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Những ý kiến đóng góp hợp lý, xác đáng của người dân đã được các cấp ủy tiếp thu, góp phần bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH các cấp đã phối hợp tổ chức nhiều hình thức hoạt động để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên trong đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân; tích cực vận động người dân tham gia đấu tranh phòng-chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đấu tranh phòng-chống những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, MTTQ, các tổ chức CT-XH và các tầng lớp nhân dân rất tích cực trong giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên ở cơ sở; phối hợp với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực cho các tầng lớp nhân dân.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Văn Điềm tặng quà cho công nhân, người lao động nghèo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.Y

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Văn Điềm tặng quà cho công nhân, người lao động nghèo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.Y

Qua đó, người dân tham gia ngày càng tích cực vào công tác giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện những hành vi có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; đã phát hiện, tố giác, cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho các cơ quan chức năng và báo chí để điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực góp phần làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước. Nhiều người dân đã dũng cảm, thẳng thắn phê bình, nêu ý kiến, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết vụ việc tiêu cực kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, một số địa phương đã lập số điện thoại “đường dây nóng”, hộp thư điện tử của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, tổ chức phòng tiếp công dân... để kịp thời tiếp nhận ý kiến của người dân về thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; về ý thức, thái độ, trách nhiệm, thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên.

Hoạt động giám sát, PBXH của người dân thông qua MTTQ và các tổ chức CT-XH ngày càng chuyển biến tích cực. Mặt trận Tổ quốc và tổ chức CT-XH các cấp đã bám sát chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền của địa phương, những vấn đề xã hội mà người dân quan tâm, bức xúc để đưa vào chương trình giám sát, PBXH hàng năm. Việc góp ý thường xuyên, định kỳ, đột xuất được quan tâm hơn; gắn giám sát, PBXH với lắng nghe ý kiến người dân, vận động người dân thực hiện chính sách, pháp luật, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Nhiều kiến nghị sau giám sát, PBXH ở một số địa phương có chất lượng tốt, được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Các hoạt động giám sát, PBXH, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các tổ chức CT-XH đã giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định tình hình Nhân dân, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, cơ quan chính quyền; nhiều ý kiến được giải quyết ngay tại các hội nghị đối thoại, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước; người dân hiểu và chấp hành pháp luật tốt hơn, tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trong thời gian tới, để phát huy tốt vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chính quyền, MTTQ và các tổ chức CT-XH phải làm tốt công tác tư tưởng để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Một trong những bài học kinh nghiệm của 35 năm đổi mới là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Do đó, cần quán triệt sâu sắc quan điểm: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân”, “tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH; Quy định về việc MTTQ, các tổ chức CT-XH và Nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Thực hiện tốt phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; phát huy dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ tiêu cực, sai phạm của cán bộ, đảng viên.

Hai là, thực hành dân chủ rộng rãi, bảo đảm dân chủ từ trong Đảng đến dân chủ xã hội được thực hiện tốt ở các cấp, các địa bàn, các lĩnh vực. Đảng, Nhà nước cần đổi mới cơ chế và quy trình ra quyết định lãnh đạo, quản lý theo hướng phát huy dân chủ, phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, bảo đảm để người dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình ra các quyết định liên quan đến quyền và lợi ích thiết thân của Nhân dân, từ việc nêu sáng kiến đến tham gia góp ý, thảo luận, tranh luận, phản biện đến việc giám sát quá trình thực hiện, bảo đảm nguyên tắc: mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải vì lợi ích của Nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện các định chế phát huy dân chủ hiện có như: Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quy chế giám sát và PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH; Quy định về việc MTTQ, các tổ chức CT-XH và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền... Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng để sớm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của Nhân dân, thực hành dân chủ ở cơ sở.

Ba là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để MTTQ, các tổ chức CT-XH và người dân phát huy vai trò giám sát các tổ chức Đảng, cơ quan chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp. Hoạt động giám sát góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cần tập trung vào quá trình xây dựng nghị quyết, chủ trương của Đảng, việc ban hành các quyết định quản lý và các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước, chính quyền các cấp, bảo đảm các chủ trương, quyết sách thật sự gắn với thực tiễn, hợp với lòng dân, tạo sự đồng thuận xã hội, sự ủng hộ của người dân. Cần thực hiện nghiêm túc chế độ cung cấp thông tin cho người dân và trách nhiệm tiếp thu, trách nhiệm giải trình của cá nhân, tổ chức trước Nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương trong giải quyết yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu Nhân dân. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ và các tổ chức CT-XH theo hướng phát huy dân chủ, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam, bảo đảm để MTTQ và các tổ chức CT-XH gần dân, thật sự là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân.

Bốn là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “tôn trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”. Chú trọng lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực, thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân; có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật cao. Kiên quyết làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm minh, thích đáng những hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng, tham nhũng, tiêu cực. Cần tiếp tục cụ thể hóa quan điểm Đảng phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về các quyết định của mình. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của người dân.

Năm là, cụ thể hóa cơ chế “Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo của MTTQ Việt Nam”. Trong vai trò là tổ chức thành viên của MTTQ, cấp ủy, tổ chức Đảng cần thực hiện tính gương mẫu, đi đầu trong việc xây dựng, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức Đảng trước các tổ chức thành viên của MTTQ cùng cấp; cử đúng thành phần đại diện lãnh đạo cấp ủy tham gia Ủy ban MTTQ cùng cấp như các tổ chức thành viên khác; cử cấp ủy viên có đủ đức và tài để hiệp thương làm người đứng đầu của Ủy ban MTTQ cùng cấp; kịp thời thông tin, báo cáo kết quả hoạt động của cấp ủy trong việc thực hiện nghị quyết và chương trình phối hợp, thống nhất hành động của Ủy ban MTTQ cùng cấp; thực hiện sự bình đẳng, tôn trọng các ý kiến thảo luận, bàn bạc của các thành viên trong quá trình hiệp thương dân chủ để đi đến thống nhất chương trình hành động hoặc các hoạt động khác của Ủy ban MTTQ cùng cấp, không áp đặt ý kiến trong sinh hoạt của Ủy ban MTTQ cùng cấp khi thực hiện vai trò thành viên. Các cấp ủy cần làm tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ, đặc biệt là chủ trì điều hòa các mối quan hệ phối hợp giữa MTTQ với chính quyền theo quy định của pháp luật, chỗ nào chưa đúng với yêu cầu, nhiệm vụ thì kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

HỒ VĂN ĐIỀM

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Có thể bạn quan tâm