Qua đó, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Những đóng góp quan trọng
Trí thức là lực lượng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Đảng ta đã khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng”, “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Xuất phát từ nhận thức đó, các cấp, các ngành của tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức tỉnh nhà phát triển, phát huy vai trò trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Qua hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ trí thức tỉnh Gia Lai đã phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 130.491 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, chiếm 8,04% dân số. Trong đó, tỷ lệ trí thức có trình độ đại học trở lên chiếm 71,9%. Đây là lực lượng có đóng góp quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm tạo môi trường, điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất và kỹ thuật cho hoạt động của đội ngũ trí thức. Đây là cơ sở giúp đội ngũ trí thức phát huy tính năng động, sáng tạo, ngày càng thể hiện rõ vai trò trong mỗi bước tiến triển đi lên của tỉnh nhà. Cụ thể, đội ngũ trí thức đã tham gia có hiệu quả vào việc cung cấp những luận cứ khoa học để góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoạt động tư vấn, phản biện xã hội... Hay như đội ngũ trí thức đã đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian qua, nông thôn Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực, nông nghiệp phát triển toàn diện, ứng dụng khoa học và công nghệ, mức độ cơ giới hóa được nâng lên, xây dựng nông thôn mới có nhiều tiến bộ... Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ trí thức trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động, tìm ra nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ dân cư từng vùng trong tỉnh... từ đó nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số.
Lãnh đạo tỉnh gặp mặt đại diện trí thức, văn nghệ sĩ và phóng viên báo chí nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: Đức Thụy |
Trong lĩnh vực văn hóa, dân tộc học... Gia Lai đã hình thành các nhà khoa học có trình độ chuyên môn sâu, đủ kinh nghiệm và uy tín để thực hiện tốt vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó góp phần quan trọng trong việc quản lý hiệu quả và chủ động, kịp thời giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, phù hợp hơn với tỉnh. Là bộ phận giàu kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết sâu rộng, đội ngũ trí thức đã phát huy được vai trò tiên phong trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thông qua lao động đặc thù và sự cống hiến của mình, trí thức Gia Lai dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tới các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội rộng rãi.
Tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ trí thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của đội ngũ trí thức tỉnh nhà cũng còn một số hạn chế, bất cập, trong đó có việc thiếu vai trò dẫn dắt và định hướng của các chuyên gia đầu ngành. Tỉnh Gia Lai có ít trường đại học, viện nghiên cứu chuyên sâu nên không thu hút được những nhà khoa học giỏi, những chuyên gia đầu ngành; đồng thời, cơ cấu, số lượng, chất lượng của đội ngũ trí thức còn bất hợp lý trong các ngành nghề, lĩnh vực, địa phương. Thực tế cho thấy, mặc dù số lượng trí thức của tỉnh có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đông nhưng phân bố chủ yếu ở lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, hành chính sự nghiệp… Vấn đề cơ cấu đội ngũ trí thức theo vùng, miền cũng không đồng đều, chủ yếu tập trung ở TP. Pleiku. Đội ngũ trí thức có trình độ sau đại học ở các huyện rất hạn chế, đặc biệt, tỷ lệ cán bộ khoa học-kỹ thuật là người dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu 5% tổng số cán bộ khoa học-kỹ thuật toàn tỉnh, chưa tương xứng với quy mô dân số.
Bên cạnh đó, tình trạng “chảy máu chất xám” là vấn đề cần được quan tâm, nhất là nhiều sinh viên giỏi của Gia Lai sau khi tốt nghiệp các trường đại học có xu hướng không quay về phục vụ tỉnh nhà; nhiều giảng viên, bác sĩ thời gian qua đã xin chuyển ra khỏi tỉnh; nhiều công chức, viên chức xin nghỉ việc, rời khu vực công... Chỉ tính từ năm 2020 đến hết tháng 6-2022, toàn tỉnh đã có 400 cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc. Trong đó, ngạch viên chức có 323 người xin nghỉ việc, phần nhiều là trong ngành Giáo dục (125 người) và Y tế (115 người), đặc biệt có 3 tiến sĩ.
Ban tổ chức trao giải nhất cho 2 nhóm tác giả ở Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 11-2023. Ảnh: M.K |
Ngoài ra, một số hoạt động nghiên cứu khoa học của tỉnh chưa gắn với thực tiễn. Do vậy, số công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng trong thực tế còn hạn chế và cũng chưa mang tính định hướng cho việc xây dựng chính sách phát triển, nhất là những vấn đề “nóng” trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, xây dựng đô thị thông minh. Hay việc thiếu các quỹ hỗ trợ về tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học để đội ngũ trí thức tranh thủ, chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu và phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, tư vấn, phản biện xã hội.
Nhằm tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, ngày 29-2-2024, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 81-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Cùng với nhiệm vụ và giải pháp mà Chương trình hành động của Tỉnh ủy đã đề ra, thiết nghĩ, cần có giải pháp khắc phục các hạn chế để nâng cao chất lượng đội ngũ và tiếp tục phát huy vai trò của trí thức trong tỉnh trong thời gian đến.
Một là, tăng cường quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các quy định đối với đội ngũ trí thức; cần quan tâm hơn nữa đến các điều kiện hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh để trở thành “ngôi nhà chung” của trí thức khoa học-công nghệ tỉnh nhà. Đặc biệt, cần giao các nhiệm vụ phản biện theo tinh thần Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam để phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, góp phần vào phát triển quê hương Gia Lai. Tỉnh cần giao nhiệm vụ tư vấn, chủ trì tổ chức các hội thảo khoa học cấp tỉnh (tập trung vào các vấn đề nóng, bức xúc, các lĩnh vực ưu tiên phát triển…) cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhằm đẩy mạnh chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận, tranh luận học thuật giữa đội ngũ trí thức các ngành khoa học có liên quan, qua đó phát huy sự tập hợp đội ngũ trí thức góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Hai là, thực hiện cơ chế đặt hàng, mạnh dạn giao nhiệm vụ cho trí thức có năng lực tham gia nghiên cứu, thực hiện đề tài, đề án, nhiệm vụ khoa học-công nghệ quan trọng của tỉnh nhằm khích lệ tinh thần đam mê, tâm huyết với nghề, tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị ứng dụng thực tiễn cao, phù hợp với từng địa bàn trong tỉnh. Có cơ chế để các hội trí thức tham gia thực hiện hoặc cung ứng các dịch vụ công khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
Ba là, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức cần gắn liền với đề án khoa học-công nghệ của tỉnh. Cùng với phương hướng phát triển khoa học phải có kế hoạch xây dựng đội ngũ trí thức đồng bộ về chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý nhằm phát huy năng lực sáng tạo của họ.
Bốn là, phát huy 4 chức năng của trí thức gồm: chức năng sáng tạo; chức năng phản biện; chức năng đào tạo, bồi dưỡng; chức năng quản lý xã hội. Để làm được điều này, ngoài phẩm chất cá nhân, đội ngũ trí thức cần có môi trường thích hợp cho các hoạt động khoa học. Đó là sự tin cậy của các nhà lãnh đạo, quản lý; được tạo điều kiện nghiên cứu, tham gia xây dựng chính sách thông qua các hội thảo, tiếp xúc với các nguồn thông tin đa dạng, nhiều chiều; có môi trường báo chí, xuất bản sách, trường đại học và viện nghiên cứu… để đội ngũ trí thức thực hiện chức năng của mình.