TN - Đất & Người

Phát triển bền vững cây cà-phê ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào thời kỳ cuối niên vụ thu hoạch cà-phê 2023-2024. Năm nay, thời tiết thuận lợi, giá cà-phê liên tục tăng cao đạt gần 70.000 đồng/kg, mức cao nhất trong hơn 20 năm gần đây nên người trồng rất vui.
Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà-phê niên vụ 2023-2024.

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà-phê niên vụ 2023-2024.

Giá cà-phê tăng cao không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người trồng mà còn tạo thêm nguồn lực để nông dân đầu tư chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng cà-phê, phát triển bền vững ngành hàng nông nghiệp chủ lực này.

Trong những ngày cao điểm của thu hoạch cà-phê niên vụ 2023-2024, trên khắp các nẻo đường, buôn, làng của Tây Nguyên, không khí thu hoạch khá tấp nập. Chiều chiều, từng đoàn xe chở đầy ắp cà-phê từ nương rẫy về nhà trong niềm vui, phấn khởi của nông dân.

Giá cà-phê tăng cao kỷ lục

Tại các vùng trọng điểm trồng cà-phê ở Đắk Lắk như huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắc… không khí thu hoạch diễn ra hết sức tấp nập.

Mỗi ngày khi chiều về, trên các tuyến quốc lộ cũng như đường liên xã, liên thôn, buôn, từng đoàn xe công nông chở đầy ắp cà-phê từ rẫy về nhà. Niềm vui được mùa và câu chuyện cà-phê tăng giá kỷ lục đang là vấn đề thời sự của nông dân Tây Nguyên.

Ông Lê Văn Thân ở thôn 11, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin phấn khởi cho biết: Thời tiết khá thuận lợi, giá cà-phê lại tăng cao nhất trong vòng hơn 20 năm trở lại đây.

Với giá như hiện nay, gần 70 triệu đồng/tấn cà-phê nhân, người trồng không chỉ có điều kiện dư dả đón Tết Nguyên đán mà còn có nguồn vốn đầu tư để phát triển cà-phê bền vững.

Anh Y Tuyn Niê ở buôn Đing, xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar chia sẻ: Gia đình tôi trồng được 1,5 ha cà-phê, những năm trước đây, giá xuống thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Còn năm nay, giá cà-phê tăng cao nên gia đình tôi cũng như mọi người trong buôn, trong xã đều rất phấn khởi. Hiện nay, gia đình thu hoạch gần xong, được hơn 5 tấn cà-phê nhân.

Những ngày qua, tôi xem trên các trang thông tin chuyên về cà-phê, các chuyên gia dự báo giá cà-phê còn tiếp tục tăng nên chỉ xay bán đủ để mua phân bón, chuẩn bị cho việc tưới nước trong mùa khô và sắm sửa Tết cho gia đình, còn lại cất giữ khi cần thiết mới bán.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, vụ cà-phê năm nay thời tiết thuận lợi, cây cà-phê sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất, sản lượng cao hơn vụ trước.

Cùng với đó, giá vật tư nông nghiệp đầu vào giảm so với cùng kỳ năm trước, giá cà-phê nhân xô cao hơn năm trước khoảng 15 triệu đến 25 triệu đồng/tấn, hiện dao động ở mức 68.000-69.000 đồng/kg cà-phê nhân, giúp nông dân có vụ mùa bội thu, trung bình lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/ha. Nhiều hộ đầu tư bài bản, sử dụng giống tốt cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/ha.

Cũng như ở Đắk Lắk, nông dân ở tỉnh Gia Lai hết sức phấn khởi vì cà-phê được mùa, được giá.

Chị H’Ngơnh ở làng Ktăng, xã Kdang, huyện Đắk Đoa cho biết, gia đình chị có 3,5 ha cà-phê. Năm ngoái, trừ chi phí đầu tư, chị thu được hơn 350 triệu đồng. Còn năm nay với giá ổn định hơn 68.000 đồng/kg cà-phê nhân, gia đình sẽ thu về khoảng 500 triệu đồng.

Còn anh Nguyễn Bá Tài ở thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 2,8 ha cà-phê, dự kiến thu hoạch được hơn 11 tấn nhân, cao hơn năm trước khoảng 1-1,5 tấn. Với giá cà-phê hiện tại là 68.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình có lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng, mức cao nhất từ trước đến nay”.

Ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai cho biết: Ia Grai là địa phương có diện tích cà-phê lớn của tỉnh Gia Lai với gần 18.000 ha, trong đó có hơn 15.000 ha đang kinh doanh.

Hiện người dân đã thu hoạch được 50% diện tích. Năng suất đạt bình quân khoảng 3,4-3,5 tấn nhân/ha, tăng 10-15% so với vụ mùa trước.

Riêng với những vườn cà-phê tái canh, người dân sử dụng giống mới nên năng suất đạt 4-5 tấn nhân/ha, với giá cà-phê tăng 15.000-20.000 đồng/kg nhân so với niên vụ trước, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha.

Động lực phát triển bền vững

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương chia sẻ: Hiện nay, Đắk Lắk có diện tích cà-phê lớn nhất cả nước với khoảng 212.000 ha, chiếm hơn 30% diện tích cả nước, sản lượng hằng năm đạt khoảng 550.000-560.000 tấn cà-phê nhân.

Trong nhiều năm qua, cà-phê là loại cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng của tỉnh, đã đem lại sự ấm no, trù phú cho mảnh đất vùng cao này.

Hiện nay, với giá ở mức cao kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây là tín hiệu đáng mừng cho người trồng và ngành hàng cà-phê của tỉnh. Đây cũng là cơ hội giúp cà-phê Đắk Lắk sớm đẩy mạnh xuất khẩu, bù đắp phần nào những thiếu hụt về nguồn cung trong thời gian trước.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, nhờ có lợi thế về điều kiện tự nhiên, ngành hàng cà-phê tại Gia Lai những năm gần đây giữ vững đà tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 680 triệu USD trong năm 2023, tăng 3,03% so năm 2022.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 98.000 ha cà-phê, trong đó diện tích đang kinh doanh hơn 87.000 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đắk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang.

Những năm qua, nhờ chú trọng nâng cao chất lượng, sản phẩm cà-phê Gia Lai được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn tham gia Dự án thí điểm “Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam”.

Đây là cơ hội để sản phẩm cà-phê của Gia Lai có thêm những điều kiện thuận lợi để tiến bước vững chắc, mạnh mẽ trên thị trường thế giới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương thông tin, trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, cà-phê vẫn là cây trồng chủ lực và cà-phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk, là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội, với giá trị xuất khẩu gần 800 triệu USD/năm, chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 18,3% kim ngạch xuất khẩu cà-phê của cả nước.

Quan điểm của tỉnh là không mở rộng diện tích mà tập trung nâng cao chất lượng gắn với vùng chỉ dẫn địa lý cà-phê Buôn Ma Thuột, thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu, hình thành các vùng sản xuất tập trung và thu hút đầu tư vào vùng trồng, chế biến, thương mại trong ngành hàng.

Phát triển cà-phê chất lượng cao theo hướng xanh và bền vững được xem là định hướng quan trọng, góp phần nâng cao giá trị ngành hàng cà-phê của Đắk Lắk trong giai đoạn tiếp theo. Tỉnh sẽ xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà-phê.

Đắk Lắk đang tập trung xây dựng thương hiệu “Cà-phê Buôn Ma Thuột” trở thành thủ phủ cà-phê robusta của thế giới thông qua Lễ hội cà-phê hai năm tổ chức một lần, chỉ dẫn địa lý cà-phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng với cà-phê đặc sản và cà-phê du lịch sinh thái gắn với truyền thống văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên…

Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất cà-phê sạch để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà-phê nhân xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm và một phần sản phẩm cà-phê đặc sản, nhằm thâm nhập vào các thị trường có tiềm năng trong nước và xuất khẩu.

Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, Gia Lai sẽ phát triển diện tích cà-phê đặc sản khoảng 1.200 ha và đến năm 2030 tăng lên 2.300 ha, bằng 2,4% diện tích cà-phê toàn tỉnh.

Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có hơn 42.000 ha trong số 100.000 ha cà-phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Mặt hàng này đang được xuất khẩu sang thị trường 40 nước trên thế giới.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đang tích cực xây dựng, hoàn thiện quy trình sản xuất cà-phê đặc sản robusta theo “Đề án phát triển cà-phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2023”.

Gia Lai đã xây dựng 38 mô hình điểm về sản xuất và tái canh cà-phê bền vững tại các huyện trọng điểm chuyên canh cây cà-phê; đồng thời tổ chức 231 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất và tái canh cây cà-phê bền vững cho gần 8.400 hộ nông dân.

Đặc biệt, giá cà-phê tăng cao kỷ lục như hiện nay sẽ là động lực quan trọng để phát triển cây cà-phê bền vững trên địa bàn.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên, thị trường thế giới đang đặt ra những yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đối với ngành cà-phê toàn cầu. Liên minh châu Âu đang siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu khi đưa ra các quy định về chống phá rừng cho sản phẩm cà-phê sẽ áp dụng vào năm 2024.

Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để phát triển bền vững ngành hàng cà-phê.

Chính vì vậy, ngay từ đầu niên vụ 2023-2024, các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai kế hoạch hành động thích ứng với quy định chống phá rừng và gây suy thoái rừng, chứng chỉ các-bon của Liên minh châu Âu… nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định thị trường đặt ra, đồng thời, tận dụng tốt cơ hội về giá trong chuỗi cung ứng cà-phê toàn cầu để phát triển cà-phê bền vững.

Có thể bạn quan tâm