(GLO)- Chiều 10-3, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam và UBND tỉnh Đak Lak tổ chức Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, ở Việt Nam, cây cà phê được trồng chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên gồm Đak Lak, Gia Lai, Lâm Đồng, Đak Nông và Kon Tum với diện tích khoảng 577,8 ngàn ha, chiếm 89,6% diện tích cà phê của cả nước. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các tỉnh Tây Nguyên, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của đa số người dân.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: B.T |
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và người dân đã có nhiều giải pháp như: nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất; cải tiến trong thu hái, bảo quản và chế biến sâu; phát triển thị trường… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, những kết quả mang lại chưa thực sự đáng kể. Do đó, việc xây dựng, phát triển cà phê đặc sản được xem là một hướng đi mới, mang lại sự đột phá về chất lượng nhằm nâng cao giá trị cho cà phê Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung như: thách thức và cơ hội để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam; thị trường cà phê đặc sản thế giới và định vị cà phê Robusta trong phân khúc đặc sản; thị trường cà phê đặc sản Nhật Bản; ảnh hưởng của chế biến đến giá trị cà phê đặc sản; hiện trạng và kinh nghiệm phát triển cà phê đặc sản ở Indonesia; chất lượng thử nếm của các giống cà phê trồng tại Việt Nam; tổ chức sản xuất cà phê nhân đặc sản: mô hình Công ty Simexco; một số đề xuất phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; những ảnh hưởng của phương pháp sơ chế đến công nghiệp cà phê đặc sản và giá cả; tổ chức sản xuất cà phê nhân đặc sản; kinh nghiệm và đề xuất phát triển thị trường cà phê đặc sản Việt Nam… Ngoài ra, tại hội thảo cũng có nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cà phê của các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và các địa phương khác để góp phần nâng cao nhận thức về thực trạng, các nhân tố ảnh hưởng đến ngành cà phê Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.
Ông Y Giang Gry Niê Knơng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đak Lak-cho biết, cà phê là cây trồng chủ lực mang lại giá trị cao cho tỉnh. Quan điểm của tỉnh Đak Lak là không tăng diện tích trồng cà phê mà tập trung tái canh, áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất, sản lượng cũng như chất lượng, tập trung chế biến sâu, tìm kiếm thị trường mới… nhằm phát triển cà phê theo hướng bền vững.
Phát triển cà phê đặc sản góp phần nâng cao chất lượng và giá trị cà phê. (Ảnh: internet) |
Còn theo ông Phạm S-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thì hiện tỉnh này đã chọn 2 địa phương là huyện Di Linh và Lâm Hà để trồng cà phê đặc sản. Tỉnh Lâm Đồng sẽ ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, qua đó nhằm phân khúc thị trường, gia tăng giá trị cà phê hạt, cũng như đảm bảo sự phát triển theo hướng bền vững của ngành cà phê địa phương.
Trong khi đó, ông Trịnh Đức Minh-Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đề nghị cộng đồng cà phê Việt Nam nên xem xét việc gắn nhiệm vụ phát triển cà phê đặc sản với một tổ chức đã có sẵn hoặc thành lập mới Hiệp hội Cà phê đặc sản. Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học để tạo ra giống và các quy trình công nghệ phù hợp hơn cho việc sản xuất cà phê đặc sản. Bên cạnh đó, cần biên soạn tài liệu tham khảo, hỗ trợ, đào tạo, tập huấn những hộ nông dân có ý định phát triển cà phê đặc sản. Tiếp đó, đưa mặt hàng cà phê đặc sản vào chương trình sản phẩm quốc gia cà phê chất lượng cao.
Tham dự hội thảo, hầu hết các đại biểu đã thống nhất về mặt vĩ mô là cần có quan điểm, chính sách phù hợp để khuyến khích người sản xuất, nhà chế biến, rang xay, phân phối thích nghi, hưởng ứng phát triển cà phê đặc sản; đồng thời đưa ra bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản. Nhiều ý kiến khẳng định, phát triển cà phê đặc sản là hướng đi đúng mà các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã và đang thực hiện, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất, chế biến, tiêu thụ mà còn là đòi hỏi chính đáng mà người tiêu dùng trong nước và thế giới đang đặt ra.
Kết luận hội thảo, ông Lê Quốc Doanh-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT-nhấn mạnh: Hiện nay, thị trường cà phê đặc sản chiếm chưa tới 1% tổng sản lượng cà phê thế giới. Cà phê đặc sản có tác dụng dẫn dắt nâng cao cho chất lượng ngành cà phê. Các quốc gia dẫn đầu về ngành hàng cà phê như Brazil, Indonesia... đều đang đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu và khai thác phân khúc thị trường cà phê đặc sản. Việc phát triển cà phê đặc sản ở Việt Nam về chiến lược sẽ giúp khai thác phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị cà phê Việt Nam nói chung, các tỉnh Tây Nguyên nói riêng.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ cam kết đồng hành cùng với chính quyền các địa phương, doanh nghiệp để xây dựng chương trình, đề án cụ thể nhằm phát triển cà phê đặc sản ở Việt Nam. Tuy nhiên, để tham gia vào thị trường cà phê đặc sản, các doanh nghiệp cũng như người trồng cà phê cần thay đổi tư duy sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó mới mời gọi, quảng bá cà phê của Việt Nam.
BÁ THĂNG