TN - Đất & Người

Phát triển chuối laba đặc sản xứ Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuối laba là sản vật nổi tiếng của Lâm Đồng. Chính quyền và người dân ở Lâm Đồng đang nỗ lực để sớm khẳng định chuối laba có tên trên bản đồ nông sản đặc sản của thế giới.
Chuối laba là đặc sản độc đáo của Lâm Đồng nổi tiếng từ rất xa xưa.
Chuối laba hay còn gọi là chuối "tiến vua", chuối dạ hương nổi tiếng không chỉ bởi chất lượng vượt trội mà còn vì chỉ trồng được ở vùng đất Phú Sơn, huyện Lâm Hà và một số xã vùng đồi núi phụ cận các huyện Đam Rông, Đơn Dương, Đức Trọng và TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Sản phẩm nông nghiệp độc đáo
Với đặc điểm nổi bật là phần thịt quả màu vàng sánh, dẻo ngọt thơm ngon, có mùi hương đặc trưng của chuối nhưng không có vị chua như những loại chuối khác, loài chuối laba này được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận là mặt hàng đặc sản ở Lâm Đồng, có mẫu mã và hương vị riêng biệt, đặc trưng của vùng đất Nam Tây Nguyên.
Hiện nay, diện tích và sản lượng chuối laba đạt hiệu quả kinh tế cao nhất tại tỉnh Lâm Đồng thuộc địa phận thôn Păng Dung, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông với hơn 300 ha sản xuất hướng hữu cơ (VietGAP) liên kết theo hợp đồng với khoảng 80 nông hộ tại HTX Laba Banana Đạ K’Nàng. Trong đó, gồm 60 nông hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người dân nơi đây làm giàu nhờ trồng chuối laba.
Theo ông Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX Laba Banana Đạ K’Nàng, đến năm 2023, HTX tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất chuối laba, nâng số hộ liên kết từ 80 hộ lên 120 hộ, quy mô sản xuất 300 ha với sản lượng 7.500 tấn/năm, tỉ lệ xuất khẩu chiếm 80% sản lượng.
"Kỹ thuật trồng chuối laba không quá khó, chỉ cần giữ mật độ trồng, khoảng cách của cây và thường xuyên theo dõi độ ẩm, nước, phân bón đúng cách. Thổ nhưỡng và khí hậu của xã Đạ K’Nàng phù hợp với giống cây này nên cho sản lượng cao, trung bình mỗi năm sản lượng đạt hơn 80 đến 100 tấn chuối. Nhiều năm gần đây, HTX Laba Banana Đạ K’Nàng đã xuất khẩu thành công qua thị trường khó tính Nhật Bản, sắp tới tiếp tục cung ứng qua các thị trường khác như: Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia…" - ông Phương cho hay.
Ông Bùi Minh Tua, một trong các nông hộ tiên phong chuyển đổi 5 ha cà phê già cỗi sang trồng chuối laba liên kết với HTX Laba Banana Đạ K’Nàng, nói tất cả nông hộ đều có thể tiếp cận và áp dụng hiệu quả quy trình kỹ thuật sản xuất chuối laba sau khi được HTX này chuyển giao.
Theo ông Bùi Minh Tua, trồng chuối laba theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP ngoài tuân thủ các giai đoạn canh tác thì 2 công đoạn quan trọng nhất là sát khuẩn nấm bệnh trong đất trước khi xuống giống và phòng trừ bệnh héo rũ trong mùa mưa hằng năm để tạo điều kiện sinh trưởng tối ưu cho cây chuối, đều phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Trồng chuối rất ít tốn công so với trồng cà phê hoặc một số loại cây khác. "Với diện tích khoảng 3.000 m2, đầu tư khoảng 50 triệu đồng tiền phân bón, nước tưới, mỗi bụi chuối mẹ đẻ từ 3-5 cây con. Từ mùa thu hoạch thứ 2, trung bình mỗi bụi chuối đạt khoảng 150 kg quả; với giá hơn 15.000 đồng/kg như hiện nay. Nếu thuận lợi, người trồng thu được khoảng hơn 500 triệu đồng/năm" - ông Tua tính toán.
 
Chuối laba trồng ở Lâm Đồng
Chuối laba trồng ở Lâm Đồng
Khẳng định đặc sản của thế giới
Theo thống kê, tổng sản lượng chuối laba xuất khẩu chiếm 70% tổng sản lượng thu hoạch trên tất cả diện tích sản xuất liên kết với các hợp tác xã; tỉ lệ 30% còn lại tiêu thụ thị trường trong nước: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh miền Tây Nam Bộ, duyên hải miền Trung…
Bà Mơ Bon K’Thơm, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ K’Nàng, đánh giá bước phát triển đột phá của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng đã góp phần chuyển dịch hiệu quả cơ cấu cây trồng ở địa phương, trong thời gian tới, chính quyền xã Đạ K’Nàng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để HTX Laba Banana Đạ K’Nàng mở rộng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chuối laba với người nông dân trên địa bàn.
Tất cả hơn 200 ha chuối laba liên kết sản xuất với HTX Laba Banana Đạ K’Nàng đều thực hành theo quy trình VietGAP. Hiện đối tác từ Nhật Bản đã đầu tư khoảng 2 tỉ đồng gắn chip trên từng gốc chuối kết nối với điện thoại thông minh để theo dõi, điều khiển chăm sóc chuối hằng ngày theo hướng GlobalGAP. Đều đặn mỗi tuần, HTX Laba Đạ K’Nàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 24 tấn hàng.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận: "Khi mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết theo hướng sản xuất nông nghiệp thông minh, các khâu từ giống trồng, kỹ thuật chăm sóc đến kỹ thuật thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và thị trường bao tiêu sản phẩm đều bảo đảm yêu cầu thì giá trị chuối laba ngày càng thỏa mãn các điều kiện cung ứng về số lượng và chất lượng cho thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, trang bị mới dây chuyền sơ chế chế biến chuối laba thương phẩm, bột chuối laba, chuối laba sấy khô, nguyên liệu sợi chuối laba sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ…, chuối laba ở Lâm Đồng sẽ sớm được khẳng định trên bản đồ nông sản đặc sản của thế giới". 
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra Quyết định số 442/QĐ-UBND về việc điều chỉnh quyết định phê duyệt Dự án liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ chuối laba của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng.
Theo đó, tổng kinh phí thực hiện dự án Phát triển liên kết tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ chuối laba và cây ăn quả của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng là trên 4,7 tỉ đồng; trong đó, kinh phí nhà nước hỗ trợ trên 1,9 tỉ đồng. Kinh phí do HTX và các hộ dân tham gia dự án đối ứng 2,8 tỉ đồng. Dự án sẽ được phân kỳ nguồn vốn nhà nước hỗ trợ theo các năm 2021, 2022 và 2023 lần lượt là 987 triệu đồng, 440 triệu đồng và 447 triệu đồng.
Theo Bài và ảnh: ĐÌNH THI (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm