Du lịch

Hành trang lữ hành

Phát triển du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) dựa trên 3 trụ cột chính là cộng đồng, doanh nghiệp và nhà quản lý. Liên kết 3 trụ cột này để có sản phẩm du lịch mới, giàu bản sắc là yêu cầu đặt ra tại Hội thảo tìm giải pháp phát triển DLCĐ vùng dân tộc thiểu số do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 8-12 vừa qua.

Lấy cộng đồng làm trung tâm

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Hoàng nhấn mạnh: Du lịch cộng đồng là loại hình đem lại nhiều lợi ích kinh tế-xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc giảm nghèo. Không những thế, DLCĐ còn góp phần bảo tồn, phát huy các tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc sắc của đồng bào Bahnar, Jrai. Tiềm năng, thế mạnh bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số có giá trị rất lớn để khai thác loại hình du lịch nhân văn này.

Du khách trải nghiệm nghề dệt truyền thống tại làng du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh). Ảnh: M.C

Một số địa phương đã xây dựng các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng với sự tham gia của người dân, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với khu vực nông thôn như mô hình DLCĐ làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh), làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng), làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang). Ngoài ra, nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai được lựa chọn, quy hoạch phát triển DLCĐ trong định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương.

Kbang là địa phương có tài nguyên du lịch phong phú, nhất là tài nguyên văn hóa của cộng đồng Bahnar. Làng DLCĐ Mơ Hra-Đáp hình thành từ dự án Di sản kết nối do Hội đồng Anh tài trợ đã trở thành mô hình mẫu của tỉnh. Từ kinh nghiệm thực tiễn của làng Mơ Hra-Đáp, ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang-cho biết: “Tại các làng văn hóa kiểu mẫu, làng nông thôn mới, huyện Kbang tập trung đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương để phục vụ khách du lịch như hình thành các tổ ẩm thực, tổ văn hóa văn nghệ, tổ nghề truyền thống (đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc...), phát triển các dịch vụ ẩm thực đặc trưng của địa phương như cơm lam, gà nướng, thịt heo nướng, ốc đá, rau dớn, măng le, đọt mây... Ngoài ra, mỗi làng nằm trong quy hoạch phát triển DLCĐ đều có từ 1 đến 4 đội cồng chiêng. Trong đó có 1 đội chiêng nhỏ tuổi làm nòng cốt cho các hoạt động văn hóa truyền thống, đồng thời phát triển các đội văn nghệ dân gian để phục vụ du khách khi có nhu cầu”.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của DLCĐ, những người có kinh nghiệm thực tiễn trong vận hành hoạt động DLCĐ tại các địa phương cho rằng, vướng mắc và cũng là khó khăn lớn nhất chính ở nhận thức của bà con, vì bản chất của loại hình du lịch này là phải dựa vào cộng đồng. Ông Đinh A Ngưi-Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch A Ngưi (xã Kông Lơng Khơng) chia sẻ: “Tôi mong khi đầu tư phát triển DLCĐ, lãnh đạo địa phương hãy đặt mình vào vị trí là khách du lịch, mong muốn điều gì khi trải nghiệm, từ đó đưa ra những chính sách sát với thực tế hơn. Muốn phát triển loại hình du lịch này thì phải đặt cộng đồng làm trung tâm. Thuận lợi lớn nhất là chúng ta thừa hưởng thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới, đường sá đi lại thuận lợi để du khách tìm đến các buôn làng vùng sâu, vùng xa. Ở các làng, chúng ta có sử thi, có cồng chiêng, nghề truyền thống nhưng làm sao biến di sản thành tài sản thì vẫn là bài toán. Khách đánh giá rất cao các sản phẩm truyền thống nhưng không mua nếu sản phẩm chỉ trưng bày mà không gắn cho nó một câu chuyện. Do đó, bán sản phẩm du lịch chính là bán câu chuyện cho du khách. Mà muốn làm được như vậy phải hướng dẫn, chỉ cách cho người dân địa phương”.

Tranh thủ sự hỗ trợ của doanh nghiệp

Từ năm 2019 đến nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã triển khai nhiều cuộc khảo sát, đánh giá các sản phẩm DLCĐ trong tỉnh và một số địa phương phát triển mô hình này trong cả nước. Từ những trải nghiệm thực tế, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-khẳng định, để tạo sức bật cho DLCĐ phải dựa trên 3 trụ cột chính là cộng đồng, doanh nghiệp và nhà quản lý. Trong đó, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cần có trách nhiệm hỗ trợ người dân hình thành sản phẩm phù hợp với thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp góp phần đầu tư, kết nối và tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, đưa du khách trải nghiệm, sử dụng dịch vụ, sản phẩm của người dân.

Di sản văn hóa là thế mạnh của loại hình du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh). Ảnh: Minh Châu

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thùy Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và sự kiện Đại Ngàn (TP. Pleiku) cho biết: “Nhiều đơn vị lữ hành hiện còn ngại đưa khách tới các làng DLCĐ vì sợ sản phẩm làm chưa tới, chưa bài bản sẽ mất điểm trong mắt du khách. Do đó, tôi mong các doanh nghiệp lữ hành chung tay góp sức với tỉnh, địa phương xây dựng mô hình DLCĐ mà ai cũng muốn tới để trải nghiệm, không chỉ bằng ý kiến trong các hội nghị, hội thảo mà bằng cả nguồn lực. Chúng ta có thể vận động, kết nối với các nhà đầu tư để chung tay cùng bà con hình thành, phát triển sản phẩm DLCĐ mang bản sắc riêng của Gia Lai”.

Trong khi đó, ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Cao Nguyên Việt-cho rằng, DLCĐ là một sản phẩm, làm ra phải bán được và cũng phải tuân theo quy luật cung-cầu của thị trường. “Muốn phát triển bền vững DLCĐ cần phải thực tế. Đừng chạy theo chủ trương mà lựa chọn những làng dân tộc thiểu số giao thông thuận lợi, giữ được bản sắc văn hóa, có thể kết nối với các khu điểm du lịch xung quanh, thực sự có tiềm năng thu hút khách. Đồng thời, tập trung vào chủ thể là cộng đồng, đầu tư nguồn lực hỗ trợ họ. Nhiều làng lúc đầu phát triển rất rầm rộ nhưng sau đó không ai đến khiến bà con nản chí. Đây là tình trạng phổ biến nếu chúng ta không kết nối chặt chẽ. Và để tạo ra sản phẩm, phải có chuyên gia, doanh nghiệp giúp sức”-Giám đốc Công ty cổ phần Cao Nguyên Việt nhấn mạnh.

Về đề án phát triển làng văn hóa DLCĐ, theo ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: Đặc trưng “làng trong phố” với tốc độ đô thị hóa cao là thách thức lớn nhất của thành phố. Nếu không giữ được bản sắc văn hóa thì không thể phát triển DLCĐ. Ông Hà mong muốn: “Thành phố đang triển khai Đề án phát DLCĐ làng Ia Nueng và làng Ốp. Hai làng này hội đủ điều kiện về không gian kiến trúc, cây đa, giọt nước, cồng chiêng, lễ hội... Nhưng chúng tôi còn lúng túng để biến những di sản này thành sản phẩm du lịch. Do đó, rất cần sự giúp sức của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch. Sắp tới, chúng tôi mời Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp trải nghiệm thực tế các làng này và mong muốn được chia sẻ, hướng dẫn bà con cần phải làm gì, làm như thế nào, đồng thời hiến kế cho thành phố xây dựng sản phẩm DLCĐ chất lượng, thực sự hấp dẫn”.

Có thể bạn quan tâm