(GLO)- Xác định phát triển du lịch gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Đức Cơ đang tập trung khai thác các thế mạnh tự nhiên vốn có, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của miền biên giới, tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách.
Đến với huyện Đức Cơ, ngoài được chiêm ngắm cảnh sắc thiên nhiên như rừng gỗ hương, cây đa làng Ghè; tham quan địa chỉ đậm nét văn hóa như di tích lịch sử chiến thắng Chư Bồ, Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; du khách còn được tìm hiểu về phong tục, tập quán của người dân nơi đây, khám phá những nét đặc trưng về văn hóa địa phương được thể hiện qua cuộc sống, lễ hội, trang phục, sinh hoạt hàng ngày của người Jrai.
Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm tại xã Ia Dom luôn tạo ra những sản phẩm đẹp, thu hút du khách. Ảnh: N.T |
Tại xã Ia Dom, Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã với gần 20 thành viên vẫn hoạt động đều đặn trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, trong các lễ hội của làng, các thành viên đều tích cực tham gia và chọn những trang phục truyền thống đẹp nhất để mặc, làm mẫu và giới thiệu cho du khách. Bà Rơ Mah Blup (làng Mook Đen 1, xã Ia Dom)-thành viên Câu lạc bộ-cho biết: “Khách du lịch khi đến với xã biên giới thường bày tỏ sự thích thú với những sản phẩm do chính người Jrai mình làm ra. Hàng năm, Câu lạc bộ cũng tạo được nguồn thu ổn định, qua đó giúp chị em có thêm động lực duy trì nghề dệt”. Còn theo Chủ tịch UBND xã Ia Dom Ngô Hữu Thiện, xã luôn khuyến khích bà con duy trì nghề dệt thổ cẩm, hỗ trợ các nghệ nhân tham gia các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức. “Sắp tới, chúng tôi sẽ có kế hoạch hỗ trợ các sản phẩm địa phương như đồ thổ cẩm để tham gia phiên chợ vùng biên”-ông Thiện cho hay.
Huyện Đức Cơ hiện có khoảng 1.000 nghệ nhân cồng chiêng, đan lát, tạc tượng và dệt thổ cẩm. Những năm gần đây, khi các giá trị văn hóa truyền thống đang dần được khôi phục, bảo tồn và phát huy, các nghệ nhân cũng được quan tâm nhiều hơn. Đó là động lực để họ phát huy tài năng của mình trong các liên hoan, hội thi văn hóa-văn nghệ. Đặc biệt, khi tham gia các hội thi, nghệ nhân đã giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào mình với du khách. Nghệ nhân Ưu tú Rơ Mah Kim (làng Ghè, xã Ia Dơk) bày tỏ: “Mỗi khi có lễ hội, chính quyền địa phương đều mời mình đến kể sử thi. Mọi người rất thích thú và tập trung lắng nghe. Nhiều du khách khi tham quan làng Ghè cũng yêu cầu mình kể chuyện. Thấy mọi người quan tâm tìm hiểu văn hóa của dân tộc như thế, mình mừng lắm”.
Trao đổi với P.V, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: “Hàng năm, huyện đều phân bổ kinh phí phát triển văn hóa về các xã. Tùy vào tình hình của địa phương, xã sẽ phân bổ về các làng khi có lễ hội và hỗ trợ 2-5 triệu đồng/lễ hội. Đồng thời, huyện cũng tổ chức các hội thi, hội diễn vừa để gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc, vừa để tạo dấu ấn trong du lịch. Ủy ban nhân dân huyện vừa phê duyệt đề án phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, tập trung vào việc phát triển du lịch gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch có tính đặc thù. Tới đây, huyện sẽ tổ chức phiên chợ tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nhằm quảng bá sản phẩm nông nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương đến với du khách”.
NGỌC THU