(GLO)- Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 có nhiều đổi mới, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển mô hình HTX kiểu mới. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai luật này, hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự cải thiện.
Chúng tôi đến thăm HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (huyện Chư Prông) khi các xã viên đang tất bật ươm giống cây cà phê. Ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX phấn khởi: “Sau khi được tập huấn từ Dự án VnSAT, tháng 12-2016, chúng tôi bắt tay vào xây dựng vườn ươm giống cây cà phê. Đến nay, chúng tôi đã ươm được khoảng 40.000 cây, dự kiến đến tháng 6-2017 sẽ ươm 100.000 cây. Hạt giống mua từ Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Cà phê Ea Kmat (Đak Lak) và được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình kỹ thuật do Dự án VnSAT tập huấn nên nảy mầm xanh tốt. Bên cạnh đó, HTX đang thực hiện sản xuất theo quy trình khép kín, đó là chăn nuôi bò lấy phân làm vườn ươm nên chất lượng cây giống rất đảm bảo”.
Ươm giống cây cà phê. Ảnh: L.L |
Tuy nhiên, theo ông Hải, đến thời điểm này, HTX vẫn chưa có đầu ra chắc chắn. “Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông đã xem xét để mua giống phục vụ chương trình tái canh cà phê nhưng hợp đồng vẫn chưa ký kết cụ thể, cây giống vẫn chưa được định giá. Trong khi đó, để làm vườn ươm, HTX đã phải huy động từ 20 thành viên với tổng số vốn 150 triệu đồng, chưa kể tiền công phải trả cho 10 lao động và các khoản đầu tư khác”-ông Hải cho biết.
Được thành lập 10 năm nay, HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên hoạt động với đủ ngành nghề từ chăn nuôi, trồng trọt, đan lát, đồ gỗ mỹ nghệ… và hiện là ươm cây giống. Thế nhưng, đầu ra sản phẩm vẫn luôn là nỗi đau đầu của Hội đồng Quản trị. “Hy vọng thời gian tới, mô hình HTX sẽ được tỉnh quan tâm, tạo cơ chế phát triển mạnh hơn, qua đó khuyến khích các hộ tham gia vào HTX”-ông Hải mong muốn.
Toàn tỉnh hiện có 84 hợp tác xã, tổng vốn điều lệ trên 143 tỷ đồng, với 14.824 thành viên, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.304 lao động. Trong đó, 43 hợp tác xã hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. |
Bên cạnh khó khăn về đầu ra sản phẩm, các HTX đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Theo thống kê, dư nợ cho vay HTX tính đến ngày 31-12-2016 chưa đến 14 tỷ đồng, con số quá nhỏ so với 66.000 tỷ đồng tổng dư nợ toàn tỉnh. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiếp-Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho rằng: “Việc tiếp cận nguồn vốn vay đối với các HTX hiện nay khó khăn là vì tài sản HTX không được thế chấp do đất của Nhà nước giao. Trong khi việc vay tín chấp còn bất cập vì ngân hàng đòi hỏi phải có phương án hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, nguồn vốn đối ứng của HTX... Thế nhưng thực tế, các HTX hiện đang rơi vào tình trạng “yếu toàn diện” từ trình độ nhân sự, kinh phí hoạt động cho đến vai trò của các thành viên… Chính vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để các HTX có thể vay tín chấp theo Nghị định 55/2015 NĐ-CP của Chính phủ”.
Lê Lan