Kinh tế

Phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Binh đoàn 15 là đơn vị kinh tế-quốc phòng, được thành lập năm 1985. Nhiệm vụ chính trị của đơn vị được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao là: Phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng dân cư-xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên và làm nhiệm vụ quốc tế tại hai nước bạn Lào và Vương quốc Campuchia, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tập trung mũi nhọn phát triển cây cao su, cà phê, lúa nước vùng cao, từng bước tạo cho Tây Nguyên phát triển mạnh cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh.
 

Thiếu tướng Đặng Anh Dũng-Tư lệnh Binh đoàn
Thiếu tướng Đặng Anh Dũng-Tư lệnh Binh đoàn

Hiện nay, các đơn vị của Binh đoàn đứng chân trên địa bàn 4 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Bình và làm nhiệm vụ quốc tế tại 2 nước bạn Lào và Vương quốc Campuchia, địa bàn chủ yếu thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng tuy được cải thiện song còn nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí hạn chế, đời sống còn nhiều thiếu thốn.

Gần 30 năm qua, trong bước đi của mình, Binh đoàn 15 đã trải qua nhiều thời kỳ, song gắn với quá trình phát triển của đất nước có thể nhìn nhận sự phát triển ấy qua hai giai đoạn: giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1990 với đặc trưng cơ bản của cơ chế bao cấp, giai đoạn từ năm 1991 đến nay đổi mới mạnh mẽ theo tiến trình chung của nền kinh tế đất nước. Mỗi giai đoạn một đặc điểm, mỗi mô hình kinh tế đều có những thách thức, nhưng Binh đoàn từng bước thích nghi và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn gay gắt trong sản xuất và đời sống, nhưng với ý chí quyết tâm, lòng nhiệt tình cách mạng, vững vàng trong gian khổ thử thách, tập thể người lao động Binh đoàn đã vươn lên vừa hoàn thành tốt chỉ tiêu pháp lệnh được giao, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân.

Bước sang giai đoạn hoạt động theo quy chế doanh nghiệp, việc chuyển hẳn sang chế độ hạch toán kinh doanh với đầy đủ các nghĩa vụ trong hoạt động kinh tế, lại cùng song song triển khai nhiệm vụ quốc phòng-an ninh và phát triển dân cư xã hội được xem là bài toán khó, cuộc thử sức lớn giữa năng lực quản lý, điều hành với những khắc nghiệt của cơ chế thị trường, ý thức đầy đủ về những điều khó đó, Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã đề ra chủ trương và các giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bảo đảm từng ngành, từng lĩnh vực, từng công ty, xí nghiệp đều phát triển với những bước đi mạnh mẽ và vững chắc. Binh đoàn đã từng bước sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối, thực hiện theo cơ chế quản lý hai cấp, bỏ cấp trung gian theo hướng tinh, gọn và hiệu quả. Giữ vững cơ chế cấp ủy Đảng lãnh đạo, phát huy vai trò người giám đốc trong tổ chức quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh và người lao động làm chủ, thực hiện chế độ khoán sản phẩm, trả lương theo kết quả lao động. Đồng thời luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nâng cao trình độ quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp, tích cực nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề của người lao động đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

 

Ảnh: Văn Thiền
Ảnh: Văn Thiền

Thành quả nổi bật trong giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh tế đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ về diện tích vườn cây cao su, sản lượng, doanh thu, lợi nhuận. Tính đến nay, Binh đoàn đã đầu tư trồng được hơn 42.000 ha cao su, 500 ha cà phê, diện tích lúa nước vùng cao là 80 ha. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trung bình 15%. Năm 2013 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nhưng Binh đoàn đã đứng vững và phát triển, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch được giao: sản lượng mủ cao su quy khô đạt 104,05% kế hoạch, trồng mới cao su 2.735 ha; tiền lương bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng, tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, tham gia giảm nghèo trên các địa bàn chiến lược trọng yếu.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về diện tích, sản lượng, doanh thu và lợi nhuận, hàng loạt các công trình được đầu tư xây dựng đồng bộ vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ dân sinh như các hồ đập, nhà máy thủy điện, xây dựng 6 nhà máy chế biến cao su, mỗi nhà máy công suất 5.000-10.000 tấn/năm, 1 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh 20.000 tấn/năm, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trên địa bàn đóng quân; đầu tư làm mới, sửa chữa hơn 1.000 km đường giao thông liên thôn, liên xã, cùng địa phương xây dựng hệ thống lưới điện cao thế, trạm biến áp đến các buôn làng, xây dựng 1 trường tiểu học nội trú, 10 trường mầm non, với 123 điểm trường, có 629 cô giáo, nuôi dạy 5.478 cháu (trong đó có 1.090 cháu người dân tộc thiểu số), xây dựng 1 bệnh viện và 9 bệnh xá, 1 trường trung cấp nghề, sửa chữa và làm mới hàng trăm nhà tình nghĩa và nhà chính sách.

Nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác dân vận, quá trình xây dựng và phát triển Binh đoàn đã kiên trì, bền bỉ thực hiện tốt chủ trương: Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng, hộ công nhân người Kinh gắn kết với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay các công ty, đơn vị của Binh đoàn đã tổ chức kết nghĩa với 33 xã, các đội sản xuất kết nghĩa với 266 thôn, làng, 4.503 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 4.503 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt phương châm “Phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút lao động và chăm lo về mọi mặt, từng bước cải thiện nâng cao đời sống người lao động yên tâm gắn bó xây dựng Binh đoàn, từ chỗ cả Binh đoàn chỉ có gần 5.000 lao động với 3 cụm và 21 điểm dân cư cùng 1.718 hộ vào thời điểm năm 1990 đến nay Binh đoàn đã có gần 2 vạn lao động và hàng vạn nhân khẩu, được bố trí trên 10 cụm với hàng trăm điểm dân cư trên 210 km biên giới.

 

 Dây chuyền chế biến mủ cao su.
Dây chuyền chế biến mủ cao su. Ảnh: Văn Thiền

Đặc biệt, Binh đoàn đã thu hút được 6.699 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân hoặc nhận khoán vườn cây của Binh đoàn, tạo ra những nhân tố mới trong xây dựng thôn, làng văn hóa, đẩy lùi nghèo nàn và các tập tục lạc hậu, đồng thời là hạt nhân đoàn kết, tích cực vận động cộng đồng giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Đây là kết quả phấn đấu không mệt mỏi của quá trình vừa xây dựng, vừa vận động, vừa giáo dục thuyết phục, vừa tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong nhân dân; đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và bọn phản động, làm cho nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đoàn kết, cảnh giác không mắc mưu trước những luận điệu lừa bịp, lôi kéo của địch. Binh đoàn còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, điện, đường, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng... tạo ra bộ mặt nông thôn mới nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

Gần 30 năm xây dựng và phát triển, cùng với cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc; bằng bàn tay, khối óc, công sức và cả xương máu các thế hệ người lao động Binh đoàn đã biến một vùng đất rộng lớn trên vành đai biên giới Tây Nguyên, mảnh đất phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trở thành một vùng kinh tế phát triển năng động, dân cư, xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững. Những kết quả đó đã khẳng định sự đúng đắn về chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước và quân đội khi triển khai thực hiện mô hình kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh ở địa bàn chiến lược biên giới vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của Tổ quốc.

 

Các ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ yếu

- Trồng cây cao su, cà phê, lúa nước; nhận và chăm sóc cây giống nông nghiệp; trồng rừng và chăm sóc rừng (trên 42.000 ha cao su, 500 ha cà phê và 80 ha lúa nước).

- Khai thác và thu gom than bùn, sản xuất phân bón, sản xuất các sản phẩm cao su.

- Xây dựng công trình đường bộ, công trình kỹ thuật dân dụng, công trình công ích, hoạt động tư vấn kiến trúc, kỹ thuật, khảo sát, xử lý bom mìn, vật liệu nổ.

- Khai hoang phục vụ trồng mới cao su, cà phê.

- Hướng nghiệp và dạy nghề.

- Khai thác gỗ, khai thác đá, cát, sỏi, đất sét.

- Sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản.

- Sản xuất và truyền tải điện năng; kinh doanh xăng, dầu; dịch vụ lưu trú ngắn hạn; dịch vụ ăn uống; đại lý và điều hành tour du lịch.

Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, ngày 13-1-2003 Binh đoàn 15 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, 3 tập thể cấp công ty được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Quá trình xây dựng và phát triển, Binh đoàn rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm thành công. Thứ nhất, là phải quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, nghị quyết của trên về nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng, đây là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Binh đoàn. Thứ hai, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của trên một cách sáng tạo phù hợp với thực tiễn địa bàn và đời sống của nhân dân, sát với nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị và nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, người lao động. Gắn nâng cao hiệu quả kinh tế với tăng cường quốc phòng-an ninh và ổn định dân cư xã hội. Đó còn là kinh nghiệm về xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết máu thịt với cấp ủy, chính quyền và nhân dân; phát huy sức mạnh nội lực và tinh thần tiến công cách mạng dám nghĩ, dám làm; huy động được sức mạnh tổng hợp trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng.

Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương, chỉ thị mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 15 tiếp tục phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường vượt qua những khó khăn, thử thách để phát triển vững chắc, tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn nữa về chất của mô hình gắn phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng-an ninh, quyết tâm xây dựng Binh đoàn 15 trở thành đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, góp phần cùng đồng bào các dân tộc biến mảnh đất Tây Nguyên trở thành vùng phát triển kinh tế trọng điểm của cả nước.

Thiếu tướng Đặng Anh Dũng-Tư lệnh Binh đoàn

Có thể bạn quan tâm