Kinh tế

Tài chính

Phát triển ngân hàng bán lẻ hướng vào nông nghiệp, nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc đưa sản phẩm, dịch vụ tiện ích, cùng với chú trọng mở rộng mạng lưới kinh doanh ở những vùng kinh tế tập trung và địa bàn nông thôn là xu hướng các ngân hàng đang nhắm đến để phát triển kinh doanh bán lẻ…

Tập trung vào bán lẻ sẽ được phần đông người dân tiếp cận với đa dạng sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, tạo ra một thị trường đầy tiềm năng.
Tập trung vào bán lẻ sẽ được phần đông người dân tiếp cận với đa dạng sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, tạo ra một thị trường đầy tiềm năng (ảnh minh họa).

Theo các ngân hàng thương mại, tập trung vào bán lẻ sẽ được phần đông người dân tiếp cận với đa dạng sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, tạo ra một thị trường đầy tiềm năng. Để đẩy mạnh hướng đi này, mở rộng mạng lưới hoạt động được coi là kênh bán hàng trực tiếp thuận tiện và hiệu quả nhất. Hiện trên địa bàn có 26 tổ chức tín dụng gồm 6 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, 12 chi nhánh NHTM cổ phần, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội, 1 chi nhánh Ngân hàng Phát triển và 6 Quỹ tín dụng nhân dân với 115 địa điểm giao dịch (trong đó địa bàn TP. Pleiku 52 điểm, các huyện, thị xã 63 điểm). Riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có thêm 4 phòng giao dịch, chủ yếu tập trung ở các vùng xa trung tâm thành phố.



Thị phần nông thôn đã được các NHTM chú trọng không chỉ ở việc phát triển mạng lưới mà còn có giải pháp hướng đến phục vụ đối tượng khách hàng cá nhân, hộ cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua việc triển khai nhiều gói sản phẩm tín dụng tiêu dùng cá nhân, sản xuất-kinh doanh, các chính sách cho nông nghiệp nông thôn (NNNT). Nhờ đó, dư nợ lĩnh vực NNNT có bước tăng trưởng khá. Nếu như cuối năm 2010, dư nợ tín dụng khu vực NNNT chỉ đạt 7.221 tỷ đồng (chiếm 32,2% tổng dư nợ) thì đến nay con số này đã đạt hơn 22.170 tỷ đồng (chiếm gần 39% tổng dư nợ). Quy mô tín dụng tăng gấp 3 lần, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 27%. Tăng trưởng tín dụng và tốc độ quay vòng vốn nhanh chứng tỏ vốn ngân hàng được nông dân và doanh nghiệp vùng nông thôn sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh. Không những vậy, đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho vùng nông thôn còn hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi, giúp người dân có thêm cơ hội tiếp cận các gói lãi suất ưu đãi từ phía ngân hàng, được tham gia vào những chương trình tín dụng hỗ trợ của Chính phủ…
 

Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.500 đơn vị hưởng lương ngân sách nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản với gần 48.000 thẻ. Trên địa bàn hiện có 166 máy ATM, hơn 800 POS. Trong số này, lượng máy ATM, POS đặt ở nông thôn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, mà theo lý giải của một số ngân hàng là do kinh phí lắp đặt máy tốn kém, trong khi khả năng khai thác nguồn thu chưa được lớn. 

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, phân khúc thị trường NNNT ngày càng rõ nét, tất cả các NHTM trên địa bàn đều tham gia lĩnh vực này, có những ngân hàng đầu tư NNNT chiếm đến gần 90%/tổng dư nợ. Cho vay NNNT với món vay nhỏ lẻ, phân tán, tuy nhiên rủi ro sẽ ít hơn. Đây cũng không nằm ngoài chiến lược phát triển kinh doanh bán lẻ-một hướng đi đầy tiềm năng được các ngân hàng đặt ra mục tiêu trong thời gian tới.



Ở khu vực nông thôn, người dân mới chỉ bắt đầu có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tiện ích ngân hàng. Do vậy, việc đầu tư toàn diện về quy mô, mô hình và hệ thống sản phẩm để đón đầu xu thế này là tất yếu. Ngoài dịch vụ thẻ, khách hàng được sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền internet; hay dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại có thể thực hiện bất cứ ở đâu, từ giao dịch thanh toán, chuyển khoản… Qua đó, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí; việc quản lý tài chính cũng sẽ tốt hơn nhiều so với thói quen sử dụng tiền mặt. Hiện có nhiều ngân hàng đã phủ sóng các dịch vụ tiện ích đến vùng nông thôn, song có lẽ ưu thế vẫn thuộc về Agribank-người bạn đồng hành với nông dân khi ngân hàng này phát triển mạng lưới giao dịch rộng khắp trong tỉnh với sự chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, khai thác và cải tiến sản phẩm.



Theo quy định hiện nay, mỗi chi nhánh ngân hàng chỉ được phép mở tối đa 3 phòng giao dịch. “Việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra các quy định để siết chặt công tác mở rộng mạng lưới của các ngân hàng không nằm ngoài mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống. Theo đó, một số điều kiện bắt buộc để được mở phòng giao dịch của các chi nhánh NHTM cũng không đơn giản, như phải hoạt động hiệu quả, nợ quá hạn thấp không vượt quy định cho phép, trong quá trình thanh-kiểm tra không bị xử phạt hành chính, phòng giao dịch phải phù hợp với quy mô của đơn vị”-ông Cư cho biết.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm