TN - Đất & Người

Phát triển nghề truyền thống sản xuất atiso Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề sản xuất, sơ chế, chế biến atiso Đà Lạt, nhà nông Ngô Nam Phong (sinh năm 1956) ở làng hoa Thái Phiên đã cùng với những nông hộ vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, phát triển nghề truyền thống này ở địa phương.
Hơn 10 dòng sản phẩm atiso Thuận Phát trưng bày trong dịp chào mừng 130 năm hình thành và phát triển TP Đà Lạt

Hơn 10 dòng sản phẩm atiso Thuận Phát trưng bày trong dịp chào mừng 130 năm hình thành và phát triển TP Đà Lạt

Chào mừng 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Hợp tác xã (HTX) Atiso Thuận Phát, Phường 12 là 1 trong 20 thành viên Câu lạc bộ Nông dân hợp tác làm giàu thuộc Hội Nông dân TP Đà Lạt trưng bày hơn 10 dòng sản phẩm atiso sơ chế, chế biến nguyên chất được khách hàng các vùng, miền trong nước quan tâm tin dùng. Sáng lập và lãnh đạo HTX với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nhà nông Ngô Nam Phong cho biết, HTX thành lập từ năm 2019, đến nay đã đi vào ổn định liên kết trên dưới 30 nông hộ sản xuất hàng năm 25-30 ha atiso ở làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt. Ở đây tất cả hơn 10 dòng sản phẩm atiso nguyên chất mang nhãn hiệu Thuận Phát đều được HTX tổ chức kiểm soát theo chu trình kỹ thuật sản xuất an toàn từ lúc chọn lựa, xuống giống trồng đến lúc chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng.

Trao đổi với phóng viên vào đầu tháng 10/2023, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thuận Phát Ngô Nam Phong nói rằng, đây là thời điểm cây atiso tập trung thu hoạch sản phẩm lá tươi bước sang tháng thứ 4. Từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024 thu hoạch bông, thân. Từ tháng 2/2024 cắt hạ gốc sát mặt đất cho cây con mọc lên khỏe mạnh trên bộ rễ cây mẹ. Đến đầu tháng 3/2024, chọn cây con chiều cao trung bình 50 cm, tách ra khỏi cây mẹ rồi cắt tỉa phần ngọn lá, giảm chiều cao xuống còn 20 cm để gieo trồng vụ mới, sau đó mới thu hoạch phần rễ cây. Chăm sóc tháng 7/2024 bắt đầu bước vào các thời kỳ thu hoạch lá, bông, thân, rễ đến hết tháng 1/2025, rồi chọn tạo cây giống, trở lại một chu trình sản xuất mới.

“HTX chúng tôi khai thác cây giống atiso tại chỗ, cung cấp cho nông hộ liên kết sản xuất gối đầu với mật độ 1.600-1700 cây trên diện tích 1.000 m2. Qua hơn một tháng chọn lọc tự nhiên, số cây sinh trưởng khỏe mạnh chiếm tỷ lệ 50% được tập trung đầu tư thâm canh. Tỷ lệ 50% số cây phát triển yếu ớt phải cắt bỏ, thu gom tiêu hủy, nhường lại không gian cho cây khỏe mạnh tiếp tục phát tán cành lá, thân, rễ thương phẩm, ổn định năng suất thu hoạch” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thuận Phát Ngô Nam Phong cho biết.

Trong đó, trồng 2 lứa rau, củ, quả xen canh kéo dài hơn 5 tháng khi cây atiso thời kỳ phát triển rễ, thân, lá, chưa trổ bông. Và trước khi tái canh atiso phải chuyển sang một năm kế tiếp luân canh trồng, thu hoạch các loại rau, củ, quả, nhằm cải tạo, khôi phục dinh dưỡng trở lại cho đất, hạn chế thấp nhất sâu bệnh phát sinh, đảm bảo năng suất tối ưu.

Kết quả, tính riêng vụ mùa atiso trong một năm vừa qua, nông hộ liên kết với HTX Atiso Thuận Phát thu hoạch trên diện tích 1.000 m2 đạt 3 tấn lá tươi (375 kg lá khô), 400 kg rễ tươi (100 kg rễ khô), 400 kg thân tươi (100 kg thân tươi). Kinh nghiệm của HTX cứ thu hoạch thân, lá, rễ vừa xong là đưa lên giàn phơi trong nhà kính với 2 ngày nắng hoặc 4 ngày mưa, sau đó đóng gói ni lông bảo quản và chuyển đi tiêu thụ đến các vùng, miền trong cả nước. Trong năm 2023 với hơn 10 dòng sản phẩm atiso sơ chế, chế biến, hàng tháng HTX Atiso Thuận Phát phân phối thị trường trong nước khoảng 300 kg bông khô; 300-400 kg thân, rễ khô; 200 kg bột túi lọc; 80-100 chai (dung tích 100 ml/chai) cao bông; 20 hũ rượu (8 lít/hũ). Toàn bộ sản phẩm này đều chế biến nguyên chất, hương vị đậm đà, nên giá thành bán ra đạt mức tối đa, tăng khoảng 50% so sánh trong vòng 5 năm trở lại đây.

Anh Đặng Quốc Triệu, một người tiêu dùng ở địa phương Đà Lạt bình luận: “Sản phẩm atiso Thuận Phát chất lượng nguyên chất với rượu ngâm thân, lá, rễ; cao bông atiso sản xuất theo kỹ thuật gia truyền hơn 70 năm, nhiều công dụng bảo vệ sức khỏe cho mọi lứa tuổi. Đây là mặt hàng đặc sản có giá trị sử dụng và làm quà tặng đối với khách hàng trong và ngoài nước khi đến Đà Lạt tham quan... ”. Khách hàng Tâm Nguyễn ở tỉnh Bình Thuận cũng bày tỏ trên trang cá nhân: “ Từ Bình Thuận đi du lịch Đà Lạt được tham quan trực tiếp vườn trồng atiso Thuận Phát, nhìn tận mắt cây atiso xanh tốt và thưởng thức các món thức uống atiso khá ngon với không gian cảnh quan cao nguyên thật đẹp...”.

Anh Nguyễn Đức Huy - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân hợp tác làm giàu thuộc Hội Nông dân TP Đà Lạt đánh giá sản phẩm atiso Thuận Phát, một thành viên của Câu lạc bộ đã khẳng định chất lượng khác biệt và khả năng cạnh tranh tích cực trên thị trường. Mong muốn trong thời gian tới, ngành chức năng tạo điều kiện nhiều hơn nữa để HTX Atiso Thuận Phát xây dựng nhà xưởng chế biến quy mô lớn hơn, nhằm tăng công suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ...

Có thể bạn quan tâm