Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, một trong ba đột phá chiến lược đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Bùi Văn Phương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Dương Thu |
“Một người biết lo bằng kho người làm”
Trao đổi với Báo Lao Động, PGS-TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường phát triển cộng đồng - nhấn mạnh vai trò quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi theo bà, công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt. Do đó, Nghị quyết Đại hội XIII đưa vấn đề này vào một trong 3 đột phá chiến lược là rất cần thiết và kịp thời.
Dẫn lại câu nói “một người biết lo bằng kho người làm”, bà An nêu lên vị trí, vai trò của lãnh đạo quản lý. Nếu mỗi cán bộ, lãnh đạo biết tổ chức thực hiện tốt công việc thì mọi chủ trương sẽ thành hiện thực. Từ xưa đến nay, chủ trương đưa ra đúng nhưng lại yếu trong khâu thực hiện, tổ chức thực hiện. Do đó, việc đầu tiên là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo và quản lý. Những người làm công tác tư tưởng, lãnh đạo và quản lý phải đủ tầm, đủ tâm, đủ hiểu biết để đưa ra sự dự báo cơ hội, thách thức và đưa ra những giải pháp cụ thể.
Theo bà An, để làm được điều này, bên cạnh việc đào tạo về lý thuyết thì mỗi lãnh đạo, quản lý phải được trải nghiệm thực tiễn. Từ đó đưa ra đánh giá cụ thể bằng những kết quả, những con số thực. Bà An lấy ví dụ lãnh đạo doanh nghiệp đưa công ty phát triển, làm ăn có lãi, nộp được thuế nhiều và sản phẩm có chất lượng ngang tầm với quốc tế, trong nước được mọi người ghi nhận thì người lãnh đạo đó mới thành công, mới điều hành hiệu quả.
Đặc biệt là phải đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân tài, có sự đãi ngộ tương ứng như lương thưởng, điều kiện làm việc, nhà ở thế nào.
Phải đi đôi với cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ nhân tài
Cùng trao đổi về việc này, đại biểu Bùi Văn Phương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, việc thu hút, trọng dụng nhân tài từ xưa ông cha ta đã làm và gọi hiền tài là “nguyên khí quốc gia”.
Trong quá trình phát triển, Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên và có các chính sách để thu hút người tài vào làm việc trong bộ máy. Và trong Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu rõ một trong 3 đột phá chiến lược đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Theo ông Phương, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa rất lớn và đóng vai trò vô cùng quan trọng vì đây là chủ thể sáng tạo ra chính sách, tổ chức thực hiện tốt nhất và bắt kịp thời đại. Nếu như phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý được thực hiện tốt thì đất nước ta sẽ còn phát triển triển nhanh, mạnh mẽ và bền vững hơn nữa. Tuy nhiên, song song với việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần phải gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài. Có người tài và sử dụng người tài vào đúng việc thì sẽ phát huy hiệu quả cao.
Do vậy, để Nghị quyết XIII của Đảng được triển khai vào thực tế cuộc sống, ông Phương cho rằng, cần phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt. Cần có các chính sách, quy định phù hợp nhằm dẫn dắt nguồn lực xã hội vượt qua các thách thức, khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu trong nền kinh tế số.
Bảo đảm nguồn tài chính cho phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nguồn nhân lực từ tất cả các thành viên xã hội. Đồng thời, cần đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo theo hướng thực hiện cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng sống cũng như thái độ của người công dân toàn cầu. Xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục và đào tạo phù hợp chuẩn quốc tế;
Cùng với đó, cần quy định cụ thể những nguyên tắc chung về tuyển dụng người tài thực sự như sinh viên, chuyên gia trong nước, ngoài nước, có tiêu chuẩn cụ thể để phòng ngừa không phải là người tài mà vẫn được ưu ái, ưu đãi như người tài sẽ không công bằng với các đối tượng khác. Phương thức tuyển dụng công chức qua xét tuyển đối với cán bộ khoa học trẻ, người có tài năng phải cần hiểu rõ như thế nào là “khoa học trẻ và người có tài năng” để có sự phân biệt, phòng ngừa tuyển tràn lan, không thông qua thi tuyển sẽ không công bằng với các đối tượng khác.
Theo VƯƠNG TRẦN - PHẠM ĐÔNG (LĐO)