Du lịch

Hành trang lữ hành

Phát triển sản phẩm du lịch gắn kinh tế đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm là rất cần thiết với TP HCM nhưng cần có sự chọn lọc, chuẩn bị chu đáo, tổ chức bài bản và phải tạo nét đặc trưng riêng
Theo Sở Du lịch TP HCM, qua khảo sát thực hiện Chiến lược phát triển du lịch TP HCM đến năm 2030, sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm là 1 trong 3 sản phẩm du lịch được du khách quan tâm nhất, bên cạnh sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử và ẩm thực.
Chưa khai thác hết không gian văn hóa đặc sắc
Trong bảng xếp hạng các TP có "Hoạt động về đêm tốt ở châu Á năm 2019" của trang web Nodmalist.com, TP HCM xếp hạng 19 ở châu Á và hạng 3 trong số những điểm đến lớn ở Đông Nam Á, là TP nổi bật nhất về mặt giải trí của Việt Nam. Những kết quả nêu trên phần nào đã chứng minh được những đóng góp nhất định của sản phẩm du lịch giải trí về đêm của TP.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, các dịch vụ vui chơi cho du khách về đêm được xem là thế mạnh của TP HCM hiện nay. Hướng phát triển này cũng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của TP là phát triển dịch vụ, thương mại… và là nguồn thu không nhỏ cho TP.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, hiện các sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm của TP HCM còn hạn chế. Các cửa hàng, trung tâm thương mại hoạt động có giới hạn thời gian về đêm. Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật về đêm cũng ít và thiếu tính đặc trưng.
TP HCM hiện có nhiều không gian văn hóa công cộng, được nhiều người biết đến như: công viên Tao Đàn, bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ đêm Bến Thành, "phố Tây" Bùi Viện, đường sách…; nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Bến Nhà Rồng, Hội trường Thống Nhất, chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà…
Đặc biệt, TP HCM có dân số đông nhất cả nước, lượng người đến sinh sống, học tập và lao động cũng đông nhất cả nước; là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, trung tâm văn hóa, thương mại dịch vụ, du lịch với Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hệ thống giao thông đường bộ, cảng biển nước sâu… luôn đông đúc nhộn nhịp vào tốp đầu của khu vực Đông Nam Á.
Với những lý do đó cũng đủ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với TP HCM. Cái cần hướng tới là xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch gắn với kinh tế về đêm trên địa bàn TP HCM.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ là không gian văn hóa công cộng, có nhiều hoạt động thú vịẢnh: Hoàng Triều
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là không gian văn hóa công cộng, có nhiều hoạt động thú vịẢnh: Hoàng Triều
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Ở các tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, "phố Tây" Bùi Viện, phố đèn lồng ở quận 5, chợ đêm Bến Thành, đường sách… thời gian qua đã hoạt động tương đối hiệu quả, chỉ cần tiếp tục duy trì phát triển sản phẩm du lịch về đêm đã có từ trước.
Đề xuất bổ sung tại các tuyến phố đi bộ, nên tổ chức biểu diễn các loại hình văn hóa truyền thống kết hợp với đương đại. Các tiết mục được dàn dựng công phu kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Song song đó, khuyến khích các nhóm bạn trẻ, những người đam mê nghệ thuật đến đây giao lưu và biểu diễn. Từ tiếng đàn bầu đến những bản guitar sâu lắng làm say đắm lòng người hay một màn hip-hop thu hút giới trẻ. Đồng thời, phát triển hơn nữa các khu ẩm thực, mua sắm, các sản phẩm thủ công truyền thống...
Đặc biệt, tăng cường hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thực hiện các chương trình nghệ thuật lớn, chất lượng mang dấu ấn thể hiện rõ nét bản sắc TP mang tên Bác. Đề xuất hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là việc quy hoạch và phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa mà còn là xây dựng các chương trình nghệ thuật mang tính tư tưởng, thẩm mỹ, đặc sắc gắn với cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần được quy hoạch, thiết kế sao để mọi người khi đến với TP HCM sẽ cảm nhận rõ đây là TP mang tên Bác.
Bản sắc văn hóa của một cộng đồng chính là cái làm cho cộng đồng đó có sự khác biệt so với cộng đồng khác. Với ý nghĩa đó, đờn ca tài tử, cải lương thực sự là bản sắc văn hóa của miền Nam, trong đó có TP HCM. Đó là lý do chính đáng để TP HCM đặt đờn ca tài tử, cải lương ở vị trí xứng đáng trong không gian văn hóa của mình. Có thể tổ chức vào những ngày cuối tuần ở không gian công cộng.
TP HCM có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, thuận lợi để phát triển vận tải đường thủy và du lịch. Vì thế, cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy. Du khách có thể ngồi trên các tàu nhà hàng nổi, thuyền du lịch vừa ngắm cảnh sông nước về đêm vừa thưởng thức ẩm thực. Nhất là nghe đờn ca tài tử trên sông Sài Gòn như một thú vui tao nhã mà bất cứ du khách nào đến với TP cũng muốn được thưởng thức.
Tại bến Bạch Đằng, có thể tổ chức đêm hội hoa đăng trên sông Sài Gòn vào đêm 14 và 15 âm lịch. Hoạt động này mang ý nghĩa về tâm linh, tinh thần và cả văn hóa, không chỉ thu hút du khách trong nước mà ngay cả bạn bè quốc tế có thể cũng cảm thấy thích thú. 
Chú trọng 3 mảng lớn
TP HCM nên khai thác đồng bộ cả 3 mảng: Ẩm thực (hình thành khu chợ đêm ẩm thực, phố ẩm thực, mỗi đêm 1 món chuyên đề; vui chơi giải trí (các lễ hội, sân khấu, hoạt động nghệ thuật định kỳ ban đêm); khu mua sắm. Các khu này không cách quá xa nhau để tạo tính hệ thống và liên thông.
Lê Thị Thu Thanh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm