Kinh tế

Phát triển thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Ở Gia Lai, thời gian qua, nhờ những giải pháp có tính đột phá, thương mại điện tử đã gần hơn, tiện ích hơn với người dân cũng như doanh nghiệp.

Đa dạng kênh mua sắm

Khoe mấy lon sữa bột Enfamilk mua trên trang web mua sắm trực tuyến Lazada với giá rẻ hơn ngoài đại lý gần 60.000 đồng/lon 1,8 kg, chị Ngọc Mai (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cho biết: Trước đây, mình chẳng mặn mà với việc mua trên mạng vì quan niệm phải “mắt thấy, tay sờ mới tin”. Thế nhưng, từ ngày thấy đồng nghiệp đăng ký tài khoản mua sắm trên Lazada khá tiện, mình mới lập tài khoản mua thử và thấy rất thích. Chẳng cần đi đâu xa, chỉ ở nhà mình vẫn mua được một số mặt hàng giá rẻ, từ quần áo, giày dép, sữa đến máy xay sinh tố...

 

Mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển.
Mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển.

Không riêng chị Ngọc Mai, hiện ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn kênh mua sắm trực tuyến. Đây là thị trường đầy tiềm năng để các công ty giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Dù mới lập trang web giới thiệu về các sản phẩm cà phê Baka của công ty được 3 năm song ông Phan Bá Kiên-Giám đốc Công ty TNHH Baka (TP. Pleiku) đánh giá rất cao về hiệu quả trang web mang lại. Ông Kiên cho biết: Nhờ sử dụng trang web mà Công ty tiết kiệm được một khoản chi phí quảng bá. Không chỉ vậy, việc trao đổi, giới thiệu thông tin từ doanh nghiệp đến khách hàng cũng tiện lợi và tiết kiệm thời gian hơn vì họ có thể tham khảo thông tin trên web lúc rảnh rỗi mà không cần phải làm việc nhiều lần với Công ty. Đặc biệt, với phần giới thiệu bằng tiếng Anh trên trang web, thương hiệu cà phê Baka đã được nhiều đối tác nước ngoài biết đến. Hiện đã có một số đối tác ở Mỹ, Úc và Đức liên hệ mua sản phẩm của Công ty.

Nói về lợi ích của việc giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), bà Nguyễn Thị Hạnh-Trưởng đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tại TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: TMĐT sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, nắm bắt thị trường, đồng thời, tăng độ phủ sóng thương hiệu và niềm tin của khách hàng. Điều khiến doanh nghiệp nên lựa chọn TMĐT chính là việc tăng doanh số và tối ưu hóa chi phí. Thương mại điện tử đặc biệt phù hợp với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Mục tiêu phát triển TMĐT của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 là: 100% dịch vụ hành chính công cung cấp trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các huyện, thị xã phải cung cấp trực tuyến tối thiểu đạt mức độ 2; 100% các giao dịch giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, công dân được thực hiện trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tỉnh và qua bộ phận một cửa điện tử; 60% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, cơ sở cung cấp điện, nước, truyền thông sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ và thanh toán điện tử…

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Sau 5 năm (2011-2015) triển khai phát triển TMĐT, Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả khích lệ. Theo thống kê của Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 95% cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp biết đến lợi ích của TMĐT, một phần là nhờ các lớp tập huấn, chương trình đào tạo do Sở phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương); 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch, trao đổi thông tin. Đặc biệt, có khoảng 20% doanh nghiệp tham gia các website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 30% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt...

Theo ông Nguyễn Tấn Thành-Phó Giám đốc Sở Công thương: Một trong những điều kiện thuận lợi góp phần thúc đẩy TMĐT của tỉnh ngày càng phát triển, vươn xa là tỉnh đã ban hành Quyết định 782/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của kế hoạch này là triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT của tỉnh, đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước và đại bộ phận các doanh nghiệp trong tỉnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa và phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hạnh thì TMĐT ở Gia Lai hiện chỉ mới phát triển theo chiều rộng, chưa mạnh về chiều sâu. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn các giải pháp thực tiễn, chuyển hóa từ nhận thức sang hành động cụ thể, trong đó quan trọng nhất là phải thay đổi được tư duy của những người đứng đầu đơn vị, công ty và bản thân các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đi đầu trong phát triển TMĐT, mà ở đây chính là phát triển dịch vụ hành chính công…

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm