Chính trị

Tin tức

Phát triển tổ chức hành nghề công chứng toàn diện, chuyên nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 14-1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Công chứng. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu dự và chỉ đạo hội nghị.
Ngay sau khi Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực, tính đến ngày 31-12-2019, cả nước có 2.782 công chứng viên (gồm 383 công chứng viên của Phòng Công chứng và 2.399 công chứng viên của Văn phòng Công chứng), tăng 2.157 người so với thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006. Từ năm 2015 đến hết ngày 31-12-2019, Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp đã tổ chức được 5 khóa đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng cho 5.272 người, trong đó có 3.728 học viên đã tốt nghiệp. Số lượng tổ chức hành nghề công chứng tiếp tục phát triển, tính đến ngày 31-12-2019, cả nước có 1.151 tổ chức hành nghề công chứng. Trong đó, có 120 Phòng Công chứng và 1.031 Văn phòng Công chứng. Tăng 526 tổ chức (tăng gần 2 lần) so với thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006.
Hiện nay, các Phòng Công chứng không thành lập mới, 13 địa phương thực hiện việc chuyển đổi Phòng Công chứng thành Văn phòng Công chứng. Trong đó, có 7 địa phương đã hoàn thành chuyển đổi toàn bộ các Phòng Công chứng thành Văn phòng Công chứng. Các Phòng Công chứng còn lại đã và đang chuyển sang cơ chế tự chủ về tài chính. Trong đó, đã có 33/120 Phòng Công chứng chuyển đổi thành đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (chiếm tỷ lệ 39,6%); có 50/120 Phòng Công chứng chuyển đổi thành đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (chiếm tỷ lệ 41,6%); có 34/120 Phòng Công chứng tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (chiếm tỷ lệ 28,3%) và chỉ còn 3/120 Phòng Công chứng do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (chiếm tỷ lệ 2,5%).
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Công chứng tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: R'Ô HOK
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Công chứng tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: R'Ô HOK
Trong 5 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8,5 ngàn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được gần 1,4 ngàn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoảng gần 1,7 ngàn tỷ đồng. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đều được các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện, với mức phí mua bảo hiểm khoảng từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng/năm, tương đương mức bồi thường khoảng từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/năm. Tổng số tiền bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng khoảng hơn 12 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị thời gian tới, các Sở Tư pháp, Văn phòng Công chứng ở các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật về công chứng, phát triển tổ chức hành nghề công chứng toàn diện, có tính chuyên nghiệp cao và trong tầm kiểm soát, tập trung phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở các địa phương khó khăn. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, kỹ năng công chứng viên theo hướng tập trung theo chiều sâu và siết chặt công tác đầu ra trong công tác hành nghề công chứng viên. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, xây dựng các tổ chức hành nghề công chứng có thực lực và bài bản. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc chuyển đổi số hoạt động công chứng. Tăng cường công tác thanh-kiểm tra.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm