Nội dung phiên họp gồm 2 nhóm vấn đề; trong đó, nhóm vấn đề thứ nhất (lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp), gồm: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng-chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tham dự phiên họp thứ 21 (chất vấn trực tuyến) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20-3-2023. Ảnh: Quang Tấn |
Nhóm vấn đề thứ hai (lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và PTNT), gồm: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...). Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Để đảm bảo cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự phiên chất vấn có chất lượng, hiệu quả, theo nội dung và chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tỉnh nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn; sắp xếp, bố trí thời gian dự đầy đủ phiên chất vấn và chủ động chuẩn bị nội dung tham gia chất vấn.