Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày đã nêu rõ sự cần thiết thành lập, nhập đơn vị hành chính đô thị của 9 tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk. Theo đó, việc này nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, quy hoạch, xây dựng, giao thông, bảo vệ môi trường… trên địa bàn; đáp ứng nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.
Chính phủ đề xuất, đối với tỉnh Bình Dương thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số, 10 phường, 2 xã của thị xã Tân Uyên.
Đối với tỉnh Bắc Ninh, thành lập thị xã Thuận Thành thuộc tỉnh trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Thuận Thành. Bên cạnh đó, thành lập thị xã Quế Võ thuộc tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Quế Võ.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Đối với tỉnh An Giang, thành lập thị xã Tịnh Biên thuộc tỉnh trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Tịnh Biên; thành lập thị trấn Đa Phước trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đa Phước thuộc huyện An Phú; thành lập thị trấn Hội An trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hội An thuộc huyện Chợ Mới.
Đối với tỉnh Quảng Nam, thành lập 5 phường (Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phương) trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 5 xã (Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phương) thuộc thị xã Điện Bàn. Ngoài ra, thành lập thị trấn Trung Phước trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Quế Trung thuộc huyện Nông Sơn.
Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, thành lập thị trấn Kim Long trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Kim Long thuộc huyện Tam Dương; thành lập thị trấn Tam Hồng trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc; thành lập phường Định Trung trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, thành lập thị trấn Hóa Thượng trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hóa Thượng thuộc huyện Đồng Hỷ. Đồng thời, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ.
Đối với tỉnh Bến Tre, thành lập thị trấn Tiên Thủy trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành; thành lập thị trấn Tiệm Tôm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã An Thủy thuộc huyện Ba Tri; thành lập thị trấn Phước Mỹ Trung trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc.
Đối với tỉnh Bắc Kạn, thành lập thị trấn Vân Tùng trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Vân Tùng thuộc huyện Ngân Sơn.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, thành lập thị trấn Pơng Drang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Pơng Drang thuộc huyện Krông Búk.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã Long Khánh, Ngũ Lạc thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (sáp nhập ấp Phước Hội thuộc xã Long Khánh vào ấp Mé Láng thuộc xã Ngũ Lạc) là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân, công tác quản lý hành chính của chính quyền địa phương, phù hợp với định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, là nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện Cơ quan thẩm tra cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập 1 thành phố (Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương), 3 thị xã (Thuận Thành, Quế Võ thuộc tỉnh Bắc Ninh, Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang), 34 phường (thuộc thành phố, thị xã của các tỉnh: Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc), 11 thị trấn (thuộc các huyện của các tỉnh An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk); việc nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và việc điều chỉnh địa giới của 2 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Trà Vinh. Việc thành lập 4 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện, 45 đơn vị hành chính đô thị cấp xã tại 9 tỉnh trên làm tăng tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc thêm 0,47%; góp phần sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45% theo yêu cầu tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ủy ban Pháp luật đề nghị, chính quyền 9 tỉnh: Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội cho các đơn vị hành chính đô thị dự kiến được thành lập để sớm đạt mức yêu cầu đối với những tiêu chuẩn còn chưa bảo đảm mức tối thiểu, đặc biệt là tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; có giải pháp để nâng cao hơn nữa một số tiêu chuẩn còn thấp như đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị... bảo đảm chất lượng đô thị.
Chính quyền địa phương tại 10 tỉnh chủ động rà soát, nghiên cứu xây dựng phương án, kế hoạch sắp xếp đối với các đơn vị hành chính chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, tránh việc lấy lý do vì có các đơn vị hành chính mới được thành lập để không thực hiện việc sắp xếp, đặc biệt là những địa phương có số lượng đơn vị hành chính cần sắp xếp khá lớn (như huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; các huyện thuộc tỉnh Bến Tre...).
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc điều chỉnh đơn vị hành chính sẽ dẫn đến cả triệu người thay đổi thông tin về nơi cư trú; do đó cần rà soát Căn cước công dân, cơ sở dữ liệu sẽ ảnh hưởng ra sao để tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Giải trình vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được thực hiện theo tinh thần “đúng, đủ, sạch, sống”, dữ liệu được thu thập, làm sạch, được cập nhật thường xuyên. Do đó, khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lực lượng Công an cơ sở sẽ cập nhật, bổ sung dữ liệu, không có vướng mắc, khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chưa bao giờ chủ trương phát triển đô thị ở nước ta đặt ra mạnh mẽ như hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, bố trí nguồn lực thích đáng, việc trước đây thực hiện chưa tốt nên chất lượng đô thị đạt mức thấp; cần có kế hoạch phấn đấu sớm đạt tiêu chí Nghị quyết đặt ra, nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý đô thị, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, thông qua 10 dự thảo Nghị quyết về việc thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh: An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc với 100% đại biểu có mặt tán thành.