Thời sự - Sự kiện

Phiên họp thứ chín của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 15-1, tại TP. Hà Nội diễn ra phiên họp thứ chín của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ để đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2024, bàn phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2025.

Phiên họp do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình-Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai, tham dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Tuấn Anh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở: Công thương, Giao thông-Vận tải, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và PTNN, Văn hóa-Thể thao và Du lịch; lãnh đạo UBND TP. Pleiku; các cán bộ, công chức làm công tác CCHC của Sở Nội vụ.

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: P.L

Trong năm 2024, Văn phòng Ban Chỉ đạo đã tiếp nhận 144 đề xuất, kiến nghị của các bộ, các tỉnh (trong đó có 47 kiến nghị được tổng hợp qua công tác theo dõi, kiểm tra, báo cáo CCHC của các bộ, ngành, địa phương và 97 kiến nghị được tiếp nhận trên website caicachhanhchinh.gov.vn), trên cơ sở đó đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, trả lời, giải đáp, tháo gỡ 144/144 đề xuất, kiến nghị, đạt 100%.

Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 4.673 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC; trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 468 văn bản, các địa phương ban hành 4.205 văn bản.

Các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 1.049 nhiệm vụ; UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 2.917 nhiệm vụ. Đến nay, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 1.019/1.049 nhiệm vụ, đạt 97,14% so với kế hoạch, cao hơn 2,74% so với cùng kỳ năm 2023; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 2.842/2.917 nhiệm vụ, đạt 97,43% so với kế hoạch đề ra, thấp hơn 1,22% so với cùng kỳ năm 2023.

Về cải cách thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 29 Luật, tăng 13 Luật so với năm 2023; các bộ, ngành tham mưu, trình Chính phủ ban hành 182 Nghị định, tăng 90 Nghị định so với năm 2023 và ban hành theo thẩm quyền 496 Thông tư, tương đương số Thông tư ban hành trong năm 2023.

Về cải cách thủ tục hành chính, trong năm có 5 bộ, cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 125 quy định kinh doanh tại 47 văn bản quy phạm pháp luật; 13 bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 420 quy định kinh doanh tại 36 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được các bộ, cơ quan cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 3.195 quy định kinh doanh tại 281 văn bản quy phạm pháp luật trên tổng số 15.763 quy định kinh doanh, đạt 20,2% và vượt qua mục tiêu tối thiểu đề ra cho cả giai đoạn 2020-2025.

Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước. Đến nay, đối với các bộ, ngành, trong năm đã công bố bổ sung 664 thủ tục hành chính nội bộ, nâng tổng số thủ tục hành chính nội bộ được công bố là 1.968 thủ tục hành chính.

Liên quan đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp tại 63 tỉnh, thành phố đã tiếp tục giảm 12 tổ chức Chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện; lũy kế đến nay đã giảm 13 Sở và tương đương, 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.

Việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được quan tâm triển khai đồng bộ. Từ ngày 1-1-2024 đến 20-12-2024, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là trên 12,2 triệu văn bản, tăng hơn 4 triệu văn bản so với năm 2023; lũy kế đến nay đã có hơn 46,5 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, tăng hơn 18,3 triệu văn bản so với năm 2023…

Quang cảnh phiên họp về cải cách hành chính tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: P.L

Tham luận tại phiên họp, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An…đã báo cáo những kết quả nổi bật về chuyển đổi số, công tác CCHC ở địa phương; chia sẻ những mô hình hay trong thực hiện CCHC; đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại địa phương…Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng thông tin những kết quả nổi bật trong công tác CCHC; phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế và đề ra những phương hướng để khắc phục, nâng cao chất lượng công tác CCHC trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan, địa phương và những kết quả nổi bật đã đạt được trong công tác CCHC năm 2024.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo, cơ quan, đơn vị, địa phương cần bám sát chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách tư pháp. Tập trung triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tập trung xây dựng thể chế, cải cách các thủ tục hành chính.

Quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Phải xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, quá trình thực hiện cần nhân rộng các mô hình hay, chủ động, sáng tạo của một số địa phương. Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp, đẩy mạnh công tác CCHC, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2025.

Có thể bạn quan tâm