Trend

Điện ảnh-Âm nhạc

Phim chiếu rạp cho giới trẻ: Thông điệp về gia đình “lên ngôi”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng ra rạp vào mùa hè năm nay, “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải và siêu phẩm gia đình đến từ Thái Lan mang tên “Gia tài của ngoại” hiện là 2 cái tên đang "làm mưa làm gió" phòng vé tại các rạp trên cả nước.

Là sinh viên xa nhà, hè là dịp để bạn Nguyễn Châu Tiến (tổ 5, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) dành thời gian cho gia đình. Được cùng với người thân thưởng thức những bộ phim về gia đình tại các rạp chiếu phim là kỷ niệm tuyệt vời đối với Tiến. Bộ phim mới nhất mà Tiến cùng gia đình xem là “Gia tài của ngoại”.

Bạn Nguyễn Châu Tiến và chia sẻ khi xem phim "Gia tài của ngoại".

Tiến chia sẻ: “Những bộ phim tình cảm gia đình rất gần gũi với giới trẻ hiện nay, mặc dù không có nhiều tình tiết đặc sắc như những bộ phim hành động khác nhưng lại mang đến những cảm xúc về tình thân. “Gia tài của ngoại” là một ví dụ điển hình, phim hay và phù hợp để các bạn trẻ có thể đưa gia đình cùng đi xem”.

Bộ phim xoay quanh chàng trai M (Billkin Putthipong Assaratanakul) là một thanh niên thất nghiệp. Sau khi nghe tin bà ngoại bị bệnh nặng sắp qua đời, anh trở về gần gũi với bà, mục đích nhắm đến khối tài sản do bà để lại.

Tuy nhiên, sau quãng thời gian bên cạnh bà, trải qua những khác biệt về lối sống và sinh hoạt, đi qua những tình huống dở khóc dở cười, M dần nhận ra có những thứ quan trọng mà không có tiền tài nào mua được.

“Gia tài của ngoại” với những cảnh phim về tình bà cháu khiến khán giả rung động. Ảnh: ST

“Gia tài của ngoại” với những cảnh phim về tình bà cháu khiến khán giả rung động. Ảnh: ST

Phim kết nối đến khán giả thông qua hình tượng một gia đình châu Á gần gũi, quen thuộc với hình ảnh người bà tảo tần, ấm áp và những khoảnh khắc hoài niệm về tuổi thơ. Bên cạnh đó, “Gia tài của ngoại” đã khai thác khía cạnh rất quen thuộc, là hình ảnh cha mẹ già cô đơn và những lứa trẻ bận rộn với cuộc sống riêng của mình.

Tác giả đã kể câu chuyện “Gia tài của ngoại” qua góc nhìn của M, người cháu từ lâu đã mất kết nối với bà, khiến bộ phim ý nghĩa và sâu sắc. Đó là sự cô đơn của người già, là khoảng cách thế hệ và sự gắn kết của gia đình. Như câu nói của Mui với M: “Anh còn ngửi thấy mùi người già là chưa đủ. Anh phải ở bên cạnh bà lâu đến mức không còn ngửi thấy mùi gì lạ nữa”.

“Lật mặt 7: Một điều ước” của đạo diễn Lý Hải là bộ phim tâm lý gia đình được ra rạp cách đây không lâu.

"Lật mặt 7 - Một điều ước" chứa những thước phim mang đến những câu chuyện đời thường đầy cuốn hút. Ảnh: ST.

"Lật mặt 7 - Một điều ước" chứa những thước phim mang đến những câu chuyện đời thường đầy cuốn hút. Ảnh: ST.

Bộ phim cũng khai thác câu chuyện về sự cô đơn của những thế hệ lớn tuổi, đến cuối đời chỉ cần con cháu dành nhiều thời gian bên gia đình nhưng lại là khá xa vời. Những thước phim chậm rãi, dù không có tình tiết kịch tích nhưng đã để lại rất nhiều cảm xúc, sự thấu cảm, nụ cười và cả giọt nước mắt cho người xem.

Bạn Mai Linh (tổ 3, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: “Phim "Lật mặt 7" khiến em liên tưởng đến gia đình của mình. Em sống với bà ngoại, được ngoại chăm sóc từ khi vừa chào đời. Những lúc ngoại ốm, em thì học xa nhà, người lớn trong nhà cũng đều bận rộn nên đôi lúc sẽ gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian để chăm lo cho bài. Tuy nhiên, mọi người đều luôn cố gắng hết sức, sắp xếp công việc của mình để chăm sóc ngoại một cách tốt nhất”.

Mai Linh đánh giá điểm cộng của bộ phim “Lật mặt 7: Một điều ước” đã khắc họa được sự đặc trưng của các gia đình ở mỗi vùng miền, giúp khán giả hiểu hơn rằng mỗi vùng miền đều có một nét riêng trong lối sinh hoạt và nuôi dạy con. Nhưng cuối cùng, dù ở đâu, gia đình cũng là một phần cốt lõi trong mỗi con người, đều xứng đáng để bảo vệ, chăm sóc và gìn giữ.

Bên cạnh sự thành công của "Gia tài của ngoại" hay các phim Việt cùng về đề tài gia đình như "Lật mặt 7: Một điều ước", "Bố già" hay "Nhà bà Nữ"… cho thấy khán giả trẻ hiện nay vẫn yêu thích những thước phim về tình cảm gia đình giản dị, sâu sắc và chạm đến trái tim.

Có thể bạn quan tâm