Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Phim chữa lành có thầy tu '6 múi'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhà sư trẻ mặc cà sa màu huyết dụ ở bên chú chó trắng dễ thương giữa phong cảnh mây núi hùng vĩ. Poster phim An Lạc lập tức thu hút những người quan tâm tới đạo Phật, tới đời sống tâm linh cũng như yêu động vật. Đó đều là những mã hình ảnh có tính toàn cầu.

Nếu về sau khán giả để ý An Lạc là phim của Myanmar, điều này nhiều khả năng chỉ khiến họ tò mò hơn về phim. Vì Myanmar tuy có nhiều nét hấp dẫn về văn hóa, cảnh quan nhưng vẫn còn là một thế giới tương đối tách biệt.

Đại diện đầu tiên của điện ảnh Myanmar bước ra bên ngoài chắc phải có những ưu điểm nổi bật. Chưa kể ngoại hình nhân vật chính rất bắt mắt. Thầy tu cực đẹp trai và cơ bắp dù phim không hề có tính võ hiệp.

Người đi tu tất nhiên không được khuyến khích có những mối quan hệ thân thiết với bất cứ cá nhân nào. Nhưng nhà sư trẻ Shin Sanda (Paing Takhon) lại hình thành mối liên hệ khăng khít với chú chó trắng mà anh đặt tên là An Lạc.

Hai bên có những điểm chung dễ đi đến sự thấu cảm. Người và chó đều trải qua cảm giác bị bỏ rơi, bị xua đuổi và không còn ai thân thích. Tất nhiên, thầy tu chủ động xả ly đời sống và nương tựa Phật, nhưng có vẻ như một phần con người của vị tì kheo vẫn vương vấn thế tục, thể hiện qua hình tướng ngoại thân là chú chó cứ bám riết theo Shin như hình với bóng.

Phim Myanmar đưa thầy tu vào phim chữa lành
Phim Myanmar đưa thầy tu vào phim chữa lành

Việc này đồng thời cũng đặt ra một nhiệm vụ cho Shin là phải đón nhận mà không bị ràng buộc vào mối duyên này. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu chú chó kết nối với thầy chùa ở kiếp này là để trả một nghiệp nào đó. Và đó là xuất phát điểm để chuyện phim diễn ra.

Nửa đầu phim khá bình lặng, chủ yếu thu hút người xem bởi những hình ảnh người đẹp, vật đẹp, cảnh đẹp. Phim khắc họa một đời sống nông nghiệp hiền hòa, gắn với thiên nhiên. Bối cảnh đồng đất thịt với màu sắc đỏ xuộm cùng tông với cà sa của thầy tu xuất hiện bao trùm trong phim. An Lạc như đưa khán giả về quá khứ hoặc đến một thế giới nào đó nơi con người vẫn duy trì cuộc sống bình lặng cùng sự giản đơn. Với một số khán giả, việc du hành vào một nơi như vậy ít nhiều đã có tính chữa lành.

Trong thế giới thân thiện đó (đến nỗi một thợ săn chỉ vì làm nghề của mình mà bị cả cộng đồng lên án), dường như những sự biến bên ngoài chỉ là phản chiếu chuyển biến nội tâm bên trong của nhân vật chính. Về sau, diễn biến kịch bản đúng lớp lang kiểu Hollywood cũng không đến nỗi nhàm chán.

Phim không thể thiếu những bài học sơ đẳng về Phật pháp được lồng ghép một cách khá tự nhiên để những khán giả “sơ cơ” có thể chiêm nghiệm và thẩm thấu. Có thể thấy, tổng thể bộ phim chính là một bài pháp nhẹ nhàng truyền đi những thông điệp nhân sinh sâu sắc song vẫn dễ tiếp thu.

An Lạc đầy tính duy mỹ khi cố tình né tránh khai thác những khía cạnh thô ráp của hiện thực. Phim duy trì một cảm xúc nhẹ nhàng, bình an từ đầu đến cuối. Tất nhiên có sự dao động, đan xen của buồn, vui nhưng không đi đến độ bi lụy hay hân hoan.

Cách kể của phim cũng không có gì phức tạp, thậm chí đôi chỗ còn mang tính ước lệ. Thời lượng phim khá dài, khoảng 120 phút. Còn một số sạn như lộ việc điều khiển diễn viên chó bằng thức ăn. Nhưng có thể thấy, đây là một nỗ lực thương mại hóa bước đầu thành công của điện ảnh Myanmar. Đây là một hình mẫu sử dụng ngân sách tiết kiệm (tận dụng bối cảnh thiên nhiên sẵn có, nhân vật ít, hành động không đột phá, trang phục không tốn kém…) thông qua cách chọn câu chuyện độc đáo, gắn với văn hóa bản địa.

Theo AN SƠN (TPO)

Có thể bạn quan tâm