Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Phim truyền hình Việt càng tranh cãi càng... hút khách

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thời gian gần đây, phim truyền hình Việt khi lên sóng liên tục gây tranh cãi. Phim càng tranh cãi nhiều càng thu hút khán giả.

Gần đây nhất là phim Đi giữa trời rực rỡ đang phát sóng. Chỉ vừa phát vài tập đầu thì phim đã "nổ" ra tranh cãi về trang phục của người Dao. Đây cũng là nguồn cơn đầu tiên khiến phim được chú ý. Nên chỉ trong 10 tập lên sóng, độ rating của phim đã hơn 4%, cao nhất trong tất cả các phim đang phát sóng. Phim này cũng đạt lượt xem khủng trên các nền tảng mạng xã hội với tổng 1 tỉ view sau 8 tập, mỗi tập phim phát trên YouTube đều có hơn 2 triệu người xem với 5.000 - 7.000 bình luận. Hiện tại phim tiếp tục gây tranh cãi về diễn biến tâm lý của nữ chính, nam chính, nội dung phim với số lượt xem và bình luận ngày càng tăng sau mỗi tập.

Phim Đi giữa trời rực rỡ

Phim Đi giữa trời rực rỡ

Trước đó Trạm cứu hộ trái tim cũng là phim giờ vàng và cũng gây tranh cãi bởi hàng loạt tình tiết vô lý, lộ lỗ hổng kiến thức về xét nghiệm ADN, về tình huống bác sĩ bỏ bệnh nhân khi sắp đến giờ phẫu thuật và cả sự tranh cãi về nữ chính… Nhưng chính điều này lại giúp bộ phim gây bão, chiếm rating top đầu liên tiếp thời điểm đó.

Ngay cả phim Người một nhà, được nhận xét là phim đáng xem với dàn diễn viên chất lượng, nhưng cũng được "cài cắm" nhiều tình tiết gây ức chế, khiên cưỡng về vai người vợ tên Khanh (Thanh Hương) khiến khán giả liên tục bàn luận.

Phim Trạm cứu hộ trái tim

Phim Trạm cứu hộ trái tim

Chưa kể, trước đó nhiều phim được xem là gây sốt mạng xã hội như Chúng ta của 8 năm sau cũng "hở sườn" khi nhân vật nữ chính (Huyền Lizzie) làm kiến trúc sư, vào một công ty kiến trúc lớn làm việc mà soạn email đầy lỗi chính tả. Phim Lỡ hẹn với ngày xanh cũng bị vài kiến trúc sư "bóc phốt" vì nhân vật dùng sai ngôn ngữ chuyên ngành của nghề kiến trúc sư. Hay phim Mình yêu nhau, bình yên thôi cũng bị khán giả "mổ xẻ" khi nữ chính được xây dựng quá cực đoan, nhiều tình tiết bị đánh giá nhạt nhẽo, dàn trải và cả sự tranh luận sau mỗi tập phim về mối quan hệ giữa "mẹ chồng nàng dâu" bị cho là khiên cưỡng, không hợp lý.

Phim truyền hình chiếu trên đài quốc gia cho lượng khán giả lớn và đa dạng xem rất dễ gây "nổi sóng" trong dư luận khi chạm đến những câu chuyện, vấn đề được nhiều người quan tâm.

Phim Người một nhà

Phim Người một nhà

Nhiều phim truyền hình gây tranh cãi bởi đưa ra những góc nhìn đa chiều về gia đình, xã hội. Lại có phim gây bức xúc bởi tình tiết "quá lố", sạn lớn sạn nhỏ đan xen, thậm chí nhiều người còn dọa bỏ xem phim, còn biên kịch phim, đạo diễn bị "ném đá" trên các diễn đàn, hội phim Việt. Nói về vấn đề này, nhà biên kịch Quách Thùy Nhung chia sẻ: "Trước tiên phải khẳng định phim là một sản phẩm tập thể, với mô hình sản xuất phim truyền hình hiện nay thì vai trò của các nhân tố ở phần tiền kỳ: đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất gần như là ngang bằng nhau. Cho nên việc "đổ lỗi" cho một khâu nào đó một cách triệt để thì có phần chưa đúng. Từ kịch bản cho tới sản phẩm phim truyền hình là một quãng đường dài, có rất nhiều thời gian để chỉnh sửa, có rất nhiều yếu tố tác động từ đội ngũ sản xuất, ê kíp thực hiện cho đến kinh phí. Theo tôi, nếu xảy ra lỗ hổng nào đấy trong phim thì do sự chưa đồng bộ giữa các bộ phận".

Đạo diễn Đinh Thái Thụy nhận định: "Tôi nghĩ sự tranh luận trong giới chuyên môn, khán giả là điều tốt cho phim, tạo sự lan tỏa cho bộ phim nói riêng và sự phát triển phim Việt nói chung. Nếu một bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng, có đề tài mới lạ hấp dẫn, dàn diễn viên diễn xuất xuất sắc… thì sự "tranh cãi" càng mang lại hiệu ứng tích cực. Còn những tình tiết, diễn biến được cố tình cài cắm mang tính chiêu trò thì sẽ như "con dao hai lưỡi" vì khán giả giờ rất nhạy, họ chỉ cần thấy đó là chiêu trò, cố tình tạo ra để gây sự chú ý cho bộ phim thì họ sẽ tẩy chay. Đã có rất nhiều bộ phim gặp trường hợp này, đặc biệt là phim chiếu rạp".

Có thể nói thực trạng những tình tiết drama của phim truyền hình gây tranh cãi mỗi ngày đều tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội cũng đã khiến khán giả quen thuộc, nhàm chán. Nên nếu như các nhà làm phim truyền hình đi theo hướng cố ý tạo tình tiết gây tranh cãi mà không tập trung cho chất lượng phim thì chắc chắn sẽ bị khán giả tẩy chay.

Nhà biên kịch Quách Thùy Nhung

Theo Thu Thủy (TNO)

Có thể bạn quan tâm