Chính trị

Tin tức

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn: Quan tâm hỗ trợ, chăm lo đời sống cho đoàn viên, hội viên, nhân dân trong dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 20-12, Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 17 điểm cầu cấp huyện trên toàn tỉnh. Các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Anh Huy
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Anh Huy

Dự hội nghị tại điểm cầu chính Tỉnh ủy có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút, đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh; các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh; Ban Dân tộc tỉnh; Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh và các Sở: Nội vụ; Nông nghiệp và PTNT; Tài nguyên và Môi trường; Lao động-Thương binh và Xã hội; Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Y tế; Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Gia Lai.

Trong năm, các cơ quan Đảng, cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện công tác dân vận; đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và nhân rộng các mô hình điển hình “Dân vận khéo”. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng 564 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 333 mô hình tập thể, 229 điển hình cá nhân. Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp lựa chọn, giới thiệu 13 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực để Ban Dân vận Trung ương tổng hợp giới thiệu, phổ biến. Công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân được thực hiện thường xuyên, ngày càng đi vào nền nếp. Trong năm, cấp tỉnh và huyện đã tổ chức 41 cuộc đối thoại, cấp xã tổ chức 293 cuộc; qua đó kịp thời giải quyết được nhiều vấn đề ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Toàn tỉnh đã tiếp 2.958 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; ngoài ra, các cấp, các ngành đã tiếp nhận và xử lý 1.792 đơn kiến nghị, phản ánh. Đến nay, các cấp, các ngành đã giải quyết xong 1.661 vụ việc/1.792 nội dung đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, còn 131 vụ việc đang giải quyết.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy. Ảnh: Anh Huy
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy. Ảnh: Anh Huy

Công tác dân vận trong lực lượng vũ trang tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng-an ninh; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trên địa bàn. MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh bám sát phương châm “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở” tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai nhiều hoạt động hướng về cơ sở. Trong năm, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội phát triển được 15.500 đoàn viên, hội viên mới; phối hợp giới thiệu 2.406 đoàn viên, hội viên ưu tú và được Đảng xem xét kết nạp mới 711 đảng viên; các hội quần chúng kết nạp được 3.580 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 428.342 hội viên.

Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận, MTTQ , các tổ chức chính trị-xã hội luôn được quan tâm thường xuyên. Trong năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức tập huấn cho 698 cán bộ làm công tác dân vận trên địa bàn tỉnh; 13/17 đơn vị cấp huyện đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận với 678 cán bộ làm công tác dân vận ở cấp huyện và cơ sở. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo công tác dân vận được triển khai nghiêm túc theo quy định.

Tại hội nghị, đại biểu đã thảo luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới.

Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai Lương Văn Danh tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Anh Huy
Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai Lương Văn Danh tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Anh Huy

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn biểu dương, ghi nhận những kết quả công tác dân vận năm 2022 và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời đề nghị hệ thống dân vận chuyên trách tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; quan tâm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với công tác dân vận và tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới; đổi mới tư duy, phương pháp làm công tác dân vận theo hướng “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; tăng cường sâu sát cơ sở và tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong việc động viên, cổ vũ, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục bám sát phương châm “tỉnh nắm xã; huyện nắm thôn, làng và xã nắm hộ dân”; hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở và mặt trận, đoàn thể tiếp tục duy trì phương châm “Hàng tuần có 4 ngày làm việc cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở”. Đối với các đơn vị đã tổ chức đại hội quan tâm đến công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Đặc biệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị hệ thống dân vận ở các địa phương phối hợp tốt với các cấp chính quyền thực hiện tốt việc quản lý nắm bắt, theo dõi tâm tư, nguyện vọng và có biện pháp hỗ trợ, chăm lo đời sống cho đoàn viên, hội viên, nhân dân, nhất là trong dịp Lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; trong đó chú trọng đến các đối tượng là đoàn viên, hội viên, nhân dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và không được để nhân dân không có Tết.

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm