Thời sự - Sự kiện

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung: Kbang quan tâm bố trí nguồn vốn đối ứng để xây dựng huyện nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 26-5, đoàn công tác do Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Rah Lan Chung làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát và làm việc với hệ thống chính trị xã Đak Hlơ (huyện Kbang) về việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 23-5-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Tham gia với đoàn công tác có các đồng chí: Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo huyện Kbang.

Người dân làng Lợt chung sức xây dựng NTM

Trước khi làm việc với hệ thống chính trị xã Đak Hlơ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung cùng đoàn công tác đã đi khảo sát tình hình sản xuất của người dân làng Lợt; thăm hỏi và tặng quà 3 hộ tiêu biểu có mô hình trồng trọt, chăn nuôi và thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” hiệu quả.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Rah Lan Chung (thứ 2 bên phải) cùng đoàn công tác khảo sát tại làng Lợt, xã Đak Hlơ, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh

Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Rah Lan Chung (thứ 2 bên phải) cùng đoàn công tác khảo sát tại làng Lợt, xã Đak Hlơ, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh

Báo cáo với đoàn công tác, anh Đinh Hmăm chia sẻ: “Trước đây, gia đình có 3 ha đất trồng mì, lúa rẫy. Được xã tuyên truyền vận động, năm 2016 tôi đã chuyển đổi, tham gia cánh đồng mía lớn. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăm sóc cây mía cho năng suất bình quân 64 tấn/ha. Ngoài ra, 2 vợ chồng chịu khó làm thuê nên cuối năm cũng tích cóp được chút vốn. Đến năm 2018, tôi mua được 1 chiếc xe tải, sau đó mua thêm 1 chiếc xe tải để vận chuyển thuê nông sản cho bà con trên địa bàn. Thu nhập của gia đình hàng năm hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Tôi tích cực tham gia các hoạt động của làng, đóng góp tiền chung tay xây dựng làng NTM”.

Ông Đinh Dinh-Bí thư Chi bộ làng Lợt cho biết: Làng Lợt có 73 hộ, 292 khẩu, 100% là người Bahnar. Qua tuyên truyền vận động, nhận thức của người dân được nâng lên, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; nhiều gia đình đã nhận thức được vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con cháu, tự nguyện đưa con em trong độ tuổi đến trường; thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Nhiều hộ đã đổi mới cách làm ăn; biết tiếp thu, học hỏi cái mới, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất. Từ năm 2016 đến nay có 28 hộ duy trì mô hình trồng mía cánh đồng lớn trên diện tích 32 ha.

“Hưởng ứng phong trào xây dựng làng NTM, từ năm 2019 đến nay, người dân đã hiến 4.000 m2 đất và đóng góp gần 1 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, lắp điện chiếu sáng; đóng góp hơn 220 ngày công thực hiện việc chỉnh trang khuôn viên, cải tạo vườn tạp, trồng hàng rào xanh, con đường hoa, góp phần xây dựng cảnh quan của làng sáng-xanh-sạch-đẹp. Đến nay, làng chỉ còn 13 hộ nghèo (chiếm 17,8%), 18 hộ cận nghèo (chiếm 24,6%)”-ông Dinh phấn khởi nói.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung thăm hỏi, tặng quà cho gia đình anh Đinh Hmăm, làng Lợt, xã Đak Hlơ, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung thăm hỏi, tặng quà cho gia đình anh Đinh Hmăm, làng Lợt, xã Đak Hlơ, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh

Bí thư Đảng ủy xã Đak Hlơ Nguyễn Hữu Na cho hay: Đak Hlơ có 3 thôn và 1 làng; 802 hộ. Đến cuối năm 2022, toàn xã còn 48 hộ nghèo, 78 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 41,5 triệu đồng. Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU và Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những năm qua, cả hệ thống chính trị của xã vào cuộc, tuyên truyền vận động bà con tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao năng suất lao động và giá trị nông sản; tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn; triển khai một số mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò lai...

Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Mặt trận và các đoàn thể đã xây dựng được mô hình vườn rau sạch, nuôi dê sinh sản, sáng-xanh-sạch-đẹp và nuôi heo đất tiết kiệm; hỗ trợ làm nhà cho 3 hộ nghèo với số tiền 152 triệu đồng. Tuyên truyền vận động nhân dân làng Lợt đóng tiền mua đồng hồ nước được 45 hộ với tổng kinh phí 45 triệu đồng. Qua triển khai các mô hình, chương trình, nhận thức của bà con trong làng thay đổi rõ rệt, từ đó chuyên tâm lao động sản xuất và thực hiện cuộc vận động, chung tay xây dựng làng NTM. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; an ninh, quốc phòng được giữ vững. “Đến nay, làng Lợt đã hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng làng NTM; còn 6 tiêu chí chưa đạt, gồm: Giao thông, thủy lợi, thu nhập, hộ nghèo đa chiều, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm”-ông Na thông tin.

Báo cáo với đoàn công tác về tình hình thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU và Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Kbang Nguyễn Hữu Tuyến cho biết: Xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số; phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách các xã xây dựng NTM; phân công các cơ quan, đơn vị huyện phụ trách, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo trên địa bàn huyện. Ủy ban nhân dân huyện cũng phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách xã xây dựng NTM; giao chỉ tiêu cho từng xã, tổ chức rà soát hàng năm và xây dựng kế hoạch thực hiện.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Minh

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Minh

“Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện xây dựng làng NTM, đến nay, toàn huyện có 6 làng đạt chuẩn làng NTM mới. Thời gian tới, huyện duy trì nâng cao tiêu chí ở 6 làng NTM và phấn đấu có thêm 4 làng đạt đạt chuẩn NTM là làng Stơr (xã Tơ Tung); làng Tờ Kơr (xã Sơ Pai); làng Lợt (xã Đak Hlơ) và làng Groi (xã Kông Pla)”-ông Tuyến cho biết thêm.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 12 và 08

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận để đưa ra các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU và Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kbang.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Văn Điềm cho rằng, để thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, rất cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị. “Trong đó, Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân gắn với tham gia các phong trào, cuộc vận động do huyện, tỉnh phát động. Mỗi hội, đoàn thể cần có mô hình thiết thực, cách làm hay nhằm giúp đỡ người dân, hội viên của mình nâng cao thu nhập; chung tay hoàn thành một số tiêu chí xây dựng làng NTM. Chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ về vốn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tạo động lực giúp hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của làng, của xã”-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Văn Điềm phát biểu tại buổi làm việc với hệ thống chính trị xã Đak Hlơ, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Văn Điềm phát biểu tại buổi làm việc với hệ thống chính trị xã Đak Hlơ, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh

Qua khảo sát thực tế tại làng Lợt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đánh giá cao việc người dân đã có ý thức xây dựng cảnh quan đường làng, ngõ xóm sạch-đẹp. Một số hộ có tư duy mới, cách làm hay, biết trồng cây ăn quả, trồng rau màu. Bà con còn biết vay vốn đầu tư mua bò lai phát triển chăn nuôi… “Tuy nhiên, trong quá trình vay vốn phát triển sản xuất, cán bộ các cấp cần đồng hành hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn; hướng dẫn cách làm, đầu tư hiệu quả”-ông Quế nói.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung đánh giá cao huyện Kbang đã triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 12-CT/TU và Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thời gian qua

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 12-CT/TU và Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện Kbang sắp xếp, bố trí khu dân cư các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiên cứu khảo sát, đánh giá bổ sung hệ thống thủy lợi, công trình nước sinh hoạt tại các làng. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Quan tâm bố trí nguồn vốn đối ứng để xây dựng huyện NTM. Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội nhằm hạn chế tình trạng người dân vay nặng lãi, tín dụng đen…

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (bìa trái) và Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh (bìa phải) tặng quà cho làng Lợt, xã Đak Hlơ, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (bìa trái) và Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh (bìa phải) tặng quà cho làng Lợt, xã Đak Hlơ, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh

“Ngoài có nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa, Kbang còn giàu tài nguyên thiên nhiên rừng, có Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Kbang nằm trong vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng, có nhiều thác nước hùng vỹ. Do đó, huyện cần khai thác tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng, tạo sinh tế, việc làm, tăng thu nhập cho người dân”-ông Chung nhấn mạnh.

Một số kiến nghị của địa phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và chỉ đạo các sở, ngành liên quan có hướng giải quyết phù hợp theo đúng thẩm quyền.

Dịp này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung tặng 1 suất quà cho xã Đak Hlơ, 1 suất quà cho làng Lợt, 3 suất quà cho 3 hộ tiêu biểu ở làng Lợt; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh tặng 1 suất quà cho làng Lợt.

Có thể bạn quan tâm