Giáo dục

Tin tức

Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ: Những kết quả ấn tượng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Gia Lai đã duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và xóa mù chữ, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Kết quả đáng ghi nhận
Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 266 trường mầm non, tăng 28 trường so với năm học 2010-2011. Đến nay, có 128 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (chiếm 47,74%), tăng 121 trường so với năm 2010). Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại với 3.089 phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; trong đó có 1.210 phòng kiên cố, 80 phòng giáo dục thể chất, 90 phòng giáo dục nghệ thuật, 59 phòng đa chức năng, 193 phòng y tế. Đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 4.332 giáo viên mầm non, tăng 1.328 giáo viên so với năm học 2010-2011.
Chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non chuyển biến tích cực. Hiện nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của tỉnh ở thể nhẹ cân giảm còn 6,08% và thấp còi còn 7,06%, thấp hơn 10% theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,8%, tỷ lệ trẻ vào lớp 1 đạt 99,7%. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,25%; trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình đạt 99,9%. Tất cả trẻ mẫu giáo 5 tuổi được hưởng đầy đủ chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước. 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1. 100% nhóm, lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Các địa phương đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Chư Răng, huyện Ia Pa (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Trần Dung
Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Chư Răng, huyện Ia Pa (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Trần Dung
Đối với công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, hàng năm, tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất, bố trí giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tăng thời lượng dạy học, dạy phụ đạo cho học sinh yếu tiếng Việt. Vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số. Nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc đưa con em đến trường. Đến cuối năm 2020, tỉnh ta đạt mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2.
Việc giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS được duy trì. Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. Để tiếp tục phấn đấu đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục THCS ở mức độ cao hơn, cấp ủy, chính quyền các địa phương đề ra nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách và các biện pháp để phát triển giáo dục. Tập trung thực hiện kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng phòng học, phòng chức năng, nhà công vụ cho giáo viên ở vùng khó khăn. Nâng cao hiệu quả giáo dục các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú. Huy động, duy trì và giữ vững các lớp bổ túc THCS được coi là khâu then chốt nhằm thực hiện mục tiêu về phổ cập giáo dục THCS... Sau 4 năm phấn đấu, đến nay, ngoài việc giữ vững kết quả phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, toàn tỉnh đã có thêm 10 đơn vị đạt mức độ 2 và 1 đơn vị đạt mức độ 3.
Thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho những người trong độ tuổi lao động, giảm tỷ lệ người tái mù chữ ở người lớn, người lao động tự do. Các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: tuyên truyền, vận động các đối tượng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi, chống bỏ học; lồng ghép dạy xóa mù chữ với công tác dạy phổ cập giáo dục, chống mù chữ. Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, hàng năm, chính quyền các cấp đã duy trì và đẩy mạnh phong trào xóa mù chữ, giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học-chống mù chữ và cụ thể hóa thành các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện. Năm 2016, tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Năm 2020, tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Hiện có 14/17 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Đến nay, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 91,98%.
Tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và xóa mù chữ cho người lớn của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Công tác vận động trẻ ra lớp, duy trì sĩ số, phối hợp chăm sóc giáo dục trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Kinh phí hỗ trợ cho công tác phổ cập THCS ít, khó khăn trong việc duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập. Số lượng phòng học, phòng học bộ môn chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Việc duy trì sĩ số, vận động học sinh ra lớp trong độ tuổi bậc THCS, lớp bổ túc văn hóa, lớp xóa mù chữ ở vùng dân tộc còn khó khăn. Công tác xóa mù chữ tại một số địa bàn chưa được quan tâm và duy trì thường xuyên, kết quả xóa mù chữ chưa thật sự bền vững.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và xóa mù chữ cho người lớn, thiết nghĩ, các cấp ủy cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo đối với công tác này. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tích cực huy động nguồn lực phục vụ phát triển giáo dục và tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện. Tích cực vận động đoàn viên, hội viên còn mù chữ đến lớp, vận động đưa con em trong độ tuổi đến trường, tạo điều kiện cho học sinh được đi học liên tục.
Cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) trong một tiết học. Ảnh: Ngọc Minh
Cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) trong một tiết học. Ảnh: Ngọc Minh
Trong điều kiện cụ thể, từng địa phương có các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, củng cố các trường mầm non hiện có, mở rộng nhóm trẻ gia đình và trường tư thục. Các địa phương cân đối ngân sách, cùng với ngân sách trung ương và tỉnh đẩy nhanh phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp học ở bậc học mầm non. Nâng cao tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến lớp mẫu giáo, thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày.
Củng cố vững chắc kết quả công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Triển khai đồng bộ các giải pháp để củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường, lớp bán trú vùng khó khăn. Phấn đấu nâng dần tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh và toàn xã hội về vị trí, tầm quan trọng của công tác phổ cập và xóa mù chữ cho người lớn. Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho người trong độ tuổi lao động, giảm tỷ lệ người tái mù chữ ở người lớn, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện sáng tạo, có hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ cho các lớp phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở địa phương và phát động phong trào xã hội học tập, gia đình học tập, làm cho các đối tượng người học thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mình việc hoàn thành chương trình các cấp học.
TỐNG THỚI MỐC

Có thể bạn quan tâm