Sức khỏe

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: Vắc xin là "chìa khóa" chiến lược trong phòng-chống dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 9-6, đoàn công tác của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về công tác phòng-chống dịch và tiêm vắc xin phòng Covid-19. Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên Viên Chinh Chiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai chủ trì buổi làm việc. 

Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện: Ia Pa, Phú Thiện và Chư Pưh và thị xã Ayun Pa.

Nhiều khó khăn trong tiêm vắc xin phòng Covid-19

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam thông tin: Tổng số vắc xin phòng Covid-19 Gia Lai được phân bổ từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên từ ngày 6-3-2021 đến ngày 6-6-2022 và đã nhận về là 3.301.782 liều. Theo đó, các địa phương đã triển khai các chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 song song với tiêm chủng thường xuyên. Đến ngày 6-6, Gia Lai đã tiêm 2.746.021 liều vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên; trong đó, tiêm mũi 1 đạt 103,97%; mũi 2 đạt 97,71%; mũi 3 đạt 74,83%. Mũi tiêm bổ sung, mũi tiêm nhắc lại chỉ đạt 51,1%. Ngoài ra, Gia Lai đã tiêm 333.743 liều vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi; trong đó, tiêm mũi 1 đạt 105,24%, mũi 2 đạt 95,25%. Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đã có 102.529/212.217 trẻ được tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19, đạt 48,3%.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện



Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam, hiện Gia Lai gặp nhiều khó khăn trong triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 như phân công nhân lực những đợt cao điểm tiêm vắc xin. Công tác tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng gặp khó khăn vì trẻ đang thi học kỳ và một số trường đã nghỉ hè; phụ huynh không đồng ý cho con tiêm (không muốn tiêm hoặc trẻ đã bị nhiễm Covid-19); tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng cao.

Đối với tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên, tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND các huyện Ia Pa, Chư Pưh, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa đều đề cập đến những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Cụ thể, mặc dù Trung tâm Y tế các địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các điểm tiêm cố định tại Trạm Y tế/UBND cấp xã, các điểm tiêm lưu động tại nhà cộng đồng các thôn, làng; thậm chí đi đến từng gia đình, nhà dân để vận động và thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19; tuy nhiên vào từng thời điểm, vẫn có trường hợp người dân không có mặt tại địa phương để tham gia tiêm chủng, một bộ phận người dân không muốn tiêm mũi nhắc lại; một số khác lại di chuyển vào các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh...  lao động tự do. Mặt khác, hiện tại vào mùa thu hoạch, nhiều người dân đi rẫy và ở lại không về. Ngoài ra, tâm lý người dân đã được tiêm 2 mũi nên không đồng ý tiêm mũi tiếp theo.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Thiện Nguyễn Ngọc Ngô chia sẻ: “Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận người dân không muốn tiêm mũi vắc xin nhắc lại, bổ sung, tiêm mũi 3, mũi 4, mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, xuống tận nơi vận động. Thời gian tới, tôi đề nghị cần tăng cường truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 để người dân hiểu và đi tiêm đầy đủ”. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Siu Y Bé thì cho biết: Địa phương đã áp dụng một số biện pháp xử lý hành chính đối với việc không tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhưng vẫn còn nhiều người dân không đi tiêm nhắc lại.

 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện


Nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám sát, đôn đốc các đơn vị triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19; đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; chỉ đạo tiếp tục tiêm vắc xin mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, Ban Chỉ đạo tỉnh thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh tại địa phương và có hướng xử lý kịp thời.

Phát biểu tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên Viên Chinh Chiến cho rằng: Trước đây, Gia Lai là một trong những tỉnh, thành triển khai rất tốt công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 của tỉnh chưa đạt yêu cầu đề ra. Vì vậy, Gia Lai cần tìm ra nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan để có giải pháp khắc phục. Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cần phải phân biệt được mũi tiêm bổ sung, mũi tiêm nhắc lại… và tuyên truyền để người hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm nhắc lại vắc xin. Trong bối cảnh hiện nay, dịch vẫn đang hiện hữu vì vậy việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 vẫn là chiến lược quan trọng trong phòng-chống dịch; chấp nhận phương án nếu ít người đến tiêm cũng vẫn phải tiêm và chấp nhận hao phí vắc xin, không để tình trạng người dân đến tiêm phải chờ đợi, không được tiêm, gây hiệu ứng không tốt trong dư luận. Hiện Gia Lai còn trên 161 ngàn liều vắc xin phòng Covid-19 đến ngày 30-6-2022 là hết hạn; theo đó tỉnh cần gấp rút triển khai tiêm nhanh, không để lãng phí vắc xin.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Giai đoạn hiện nay trong phòng-chống dịch quan trọng vẫn là tiêm vắc xin. Vắc xin là "chìa khóa" chiến lược trong phòng-chống dịch. Người dân cần tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại để giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt, sâu sát hơn nữa để đồng hành cùng ngành Y tế trong công tác phòng-chống dịch và triển khai tiêm vắc xin. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, thời gian tới cần tập trung 3 nội dung: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đúng và đủ về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc mạnh hơn nữa cùng với ngành Y tế trong việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19. Thứ hai, các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục rà soát toàn bộ dữ liệu, thống nhất điều chỉnh lại cho các địa phương và tổng hợp báo cáo. Cuối cùng, các cấp, ngành tập trung chỉ đạo đảm bảo mục tiêu tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng đề ra; đặc biệt là tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại, đảm bảo tiến độ tiêm chủng, tránh lãng phí vắc xin.

 

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm